Câu chuyện về 3 chữ "đinh"

Khoảng cuối năm 1954 đầu năm 1955, khi mới tiếp quản Thủ đô, Trung ương Đảng còn đóng trụ sở ở nhà thương Đồn Thủy, nay là bệnh viện Việt Xô. Một buổi chiều, Bác cho người gọi tôi lên. Thú thật, biết nơi Bác ở, nhưng tôi cũng chưa bao giờ đến. Được Bác gọi giao việc, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì được giúp việc Bác, có điều gì hẳn Bác sẽ chỉ bảo đến nơi đến chốn. Lo vì liệu mình có hoàn thành nhiệm vụ Bác giao không?

 

 

 

Tôi ăn mặc chỉnh tề, lấy lược chải tóc ngay ngắn, rồi lên gặp Bác. Thoáng thấy tôi Bác nói:

-  Mời chú ngồi.

Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế tựa trước bàn Bác làm việc. Bác nói:

-  Bây giờ chú giúp Bác làm một việc (vừa nói Bác vừa đưa cho tôi một quyển sổ công tác không dày lắm). Hàng ngày chú đọc báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân, báo Cứu Quốc... chú thấy các báo nêu thành tích của các cô, các chú nông dân, công nhân thì ghi tóm tắt vào sổ. Hàng sáng đúng 7 giờ chú đưa lên Bác xem, xem xong Bác sẽ gửi lại chú.

Thực hiện lời Bác dạy, tôi tranh thủ thời gian đọc báo để ghi vào sổ người tốt, việc tốt, sáng sáng đưa lên Bác xem.

Mặc dầu về tiếp quản Thủ đô, công việc rất bận, tôi vẫn thấy Bác giữ nguyên nề nếp giờ giấc hàng ngày. 6 giờ Bác đã ngồi vào bàn làm việc. Từ 7 giờ đến 7 giờ 15 phút đọc quyển sổ ghi tóm tắt người tốt, việc tốt của tôi đưa lên, rồi lại tiếp tục làm những việc theo lịch đã sắp xếp.

Tranh thủ lúc Bác đọc những mục ghi trong sổ, tôi lặng lẽ ngắm Bác. Thấy tôi đứng, Bác nói: 

-  Chú ngồi xuống đây!

Tôi ngồi xuống chiếc ghế trước bàn làm việc của Bác.

Sáng nào cũng vậy, đọc xong bản ghi chép Bác cũng chữa câu văn cho tôi. Chỗ nào cần lưu ý Bác lấy bút đỏ gạch dưới và dặn:

-  Chú về báo cáo với chú Lương thưởng, hoặc nhắc địa phương, cơ quan, xí nghiệp khen thưởng những người có nhiều thành tích mà Bác đã đánh dấu.

Một kỷ niệm in đậm trong tâm trí tôi nhất là lần tôi đọc báo Nhân dân và ghi vào sổ “Tổ sản xuất Dân chủ sản xuất đinh, tháng 1 sản xuất được 50 vạn chiếc đinh, tháng 2 nhờ phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật sản xuất được 60 vạn chiếc đinh”. Đọc xong Bác lấy bút đỏ gạch bỏ 2 chữ “đinh” ở cuối câu rồi nói:

-  Chú viết một câu ngắn mà có 3 chữ “đinh”. Phải biết tiết kiệm giấy mực, công sức và thời gian. Đọc 2 chữ “đinh” mất một giây, cả triệu người thì hết bao nhiêu thời gian. 

Tôi còn giữ mãi quyển sổ đó trong đời hoạt động công tác. Bác chữa nhiều chỗ, nhưng tôi nhớ nhất là câu chuyện về ba chữ “đinh” trong câu đó. Hai chữ “đinh” đằng sau Bác gạch bằng bút mực đỏ. Tôi càng ngày càng thấy thấm thía sự dạy bảo của Bác. Nếu ai cũng có ý thức tiết kiệm như Bác, chắc chắn rằng nền kinh tế của đất nước ta đã khấm khá hơn rồi. 

 

Theo 120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Lê Huy Bảo kể Hồ Văn Quýnh (Cục lưu trữ Nhà nước) ghi

Cao Sỹ Thanh