Mỗi việc làm, một ý nghĩa thiết thực:

- “Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất mong muốn các cháu ngày càng tiến bộ, học tập được nhiều kết quả để mai sau về nước phục vụ nhân dân. Bác luôn theo dõi sự tiến bộ của các cháu. Bác mong các cháu có nhiều thành tích mới báo cáo cho Bác”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr.26).

Đã gần 3 năm kể từ ngày triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đó cũng là khoảng thời gian Trường THCS Trường Sơn (Thị xã Sầm Sơn) có nhiều hoạt động thiết thực. “Cuộc vận động như một luồng gió mới, tiếp thêm sinh lực cho sự phấn đấu và phát triển của chi bộ Đảng, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường. Cũng từ đây, lề lối làm việc, phương thức quản lý, phương pháp dạy học... được đổi mới sâu sắc hơn, toàn diện hơn...”. Đó là lời tâm sự của thầy giáo Nguyễn Văn Linh, hiệu trưởng nhà trường, khi trao đổi với chúng tôi về kết quả thực hiện cuộc vận động lớn này trong đơn vị.

Trường THCS Trường Sơn hiện có 651 học sinh/18 lớp, 45 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 100% giáo viên đạt chuẩn, 45% trên chuẩn. Năm học 2009-2010, nhà trường được bàn giao thêm 2 dãy nhà 2 tầng gồm 12 phòng học khang trang với đầy đủ phòng chức năng và phòng học bộ môn. Sự hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, nổi bật là trường có 2 giải quốc gia Olimpic Toán học trên Internet, hàng chục giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, thị... Khi trao đổi với chúng tôi về chất lượng dạy và học của nhà trường, thầy Linh khẳng định: bên cạnh yếu tố khách quan phải kể đến sự thay đổi từ nhận thức đến việc làm của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường - đó mới là yếu tố quyết định.

Quán triệt tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và chỉ ra những công việc cụ thể gắn với cuộc vận động, nhà trường trước hết chú trọng đến việc xây dựng khối đoàn kết, nhất trí trong chi bộ Đảng, cán bộ, giáo viên và từng tập thể lớp. Đây chính là cơ sở giúp nhà trường xây dựng hiệu quả môi trường giáo dục “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ban giám hiệu nhà trường thể hiện thái độ kiên quyết trong xử lý những giáo viên, học sinh vi phạm nếp sống văn hóa công sở (trang phục, cử chỉ, hành động, lời nói... phải thể hiện sự quy phạm, mẫu mực). Lấy ý thức tiết kiệm và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong nhiều tiêu chí quan trọng cần đạt. Việc biến phế liệu của sản phẩm này thành nguyên liệu để tạo thành sản phẩm khác đã giúp nhà trường tiết kiệm 3-4 triệu đồng/năm, hỗ trợ tiền mua trang thiết bị mới. Chẳng hạn, bàn ghế hư hỏng không thể sửa chữa được thì đem đóng thành giá để sách, kệ để chậu rửa tay trên lớp học, giá móc áo mưa, treo mũ nón cho học sinh... Bên cạnh đó, việc tiết kiệm trong sử dụng điện, nước cũng giúp nhà trường giảm chi phí được hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Với 20% học sinh thuộc diện hộ nghèo, đa phần là con cái gia đình nông dân và ngư dân, đây là đối tượng được nhà trường hết sức quan tâm. Hằng năm, bằng số tiền tiết kiệm được từ ngân sách và ủng hộ của giáo viên, nhà trường đã trích từ 5 đến 7 triệu đồng thông qua hội chữ thập đỏ của trường tổ chức trao quà bằng hiện vật: sách, vở đồ dùng học tập, quần áo, giày dép... cho học sinh nghèo vươn lên học khá, giỏi. Việc làm này đã được cha mẹ học sinh hết sức hoan nghênh, ủng hộ. Bên cạnh đó, việc xây dựng ở mỗi cán bộ, giáo viên đức tính cần cù, chịu khó, quan tâm chăm lo đến từng học sinh là mục tiêu nhà trường đã và đang hướng tới. Trước mắt, trường đã cụ thể hóa tiêu chí ấy bằng việc tổ chức cho giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém không thu tiền. Nhà trường sẽ dùng ngân sách tiết kiệm chi tiêu hằng năm để chi trả hoặc cấu tạo vào định biên giờ dạy của giáo viên. Ngoài hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, giáo viên trong trường còn phải “kiêm” thêm việc điều tra, vận động những thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 11-15 chưa học hoặc học chưa xong bậc THCS tham gia lớp bổ túc văn hóa ban đêm do các thầy cô trong trường đứng lớp. “Việc làm này xuất phát từ sự nhận thức về vai trò, trách nhiệm của nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung trong việc xây dựng một xã hội học tập, một môi trường lành mạnh” - thầy Nguyễn Văn Linh tâm sự.

Mặc dù sự hỗ trợ của chính quyền địa phương còn hạn chế và không thường xuyên, nhưng 2 năm nay tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn đi về khắp các khu phố, thôn xóm để vận động con em các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo hoặc học sinh bỏ học do cha mẹ không quan tâm... để các em trở lại lớp học. Năm học 2008 -2009 đã có 24 học sinh được công nhận và cấp bằng bổ túc THCS. Năm học 2009-2010 có 2 lớp với 36 học sinh. Không nhằm mưu cầu lợi nhuận, việc làm này của cán bộ, giáo viên Trường THCS Trường Sơn đã góp phần khẳng định “mỗi thầy cô giáo phải thật sự là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” thì mới có thể xây dựng được một tập thể đoàn kết, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, chất lượng.

Những việc làm của tập thể cán bộ, giáo viên Trường THCS Trường Sơn có thể chưa nhiều, song điều quan trọng hơn cả là mỗi việc làm ấy đều mang một ý nghĩa xã hội - nhân sinh sâu sắc. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, thiết nghĩ nên bắt đầu từ những việc làm cụ thể, phù hợp và mang lại hiệu quả thiết thực như tập thể thầy và trò Trường THCS Trường Sơn đã và đang làm hiện nay.

Cao Sỹ Thanh

Theo Báo Thanh Hoá điện tử