Tưng bừng lễ hội bánh chưng – bánh giầy thành phố Sầm Sơn 2018

Sáng 25/6 (tức ngày 12/5 năm Mậu Tuất), TP. Sầm Sơn tổ chức Lễ hội Bánh Chưng - Bánh Giầy 2018 với sự tham gia của 11 xã, phường trên địa bàn. Dự lễ hội có đồng chí Mai Xuân Liêm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trung tâm văn hóa Tỉnh, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Sầm Sơn cùng đông đảo bà con nhân dân, du khách thập phương.

Các đại biểu tham dự lễ hội

          Lễ hội Bánh Chưng - Bánh Giầy là lễ hội văn hóa truyền thống có lịch sử lâu đời của nhân dân Sầm Sơn, được tổ chức thường niên vào ngày 12/5 âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội văn hóa tâm linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, biển lặng sóng êm; cầu cho mùa màng tươi tốt, cá tôm đầy thuyền, du lịch đạt nhiều thắng lợi; cầu cho mọi người, mọi nhà được bình an, ấm no, hạnh phúc.

Nghi thức rước kiệu tại lễ hội bánh chưng – bánh giầy năm 2018

          Mở đầu lễ hội là nghi thức rước kiệu truyền thống của nhân dân 11 xã, phường tham. Hơn 1000 cụ ông, cụ bà, nam thanh, nữ tú và các em thiếu nhi trong trang phục truyền thống tham gia đoàn rước kiệu, đi qua các đường phố chính, tề tựu về sân đền Độc Cước.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố dâng hương tri ân công đức thần Độc Cước

          Sau phần nghi lễ với các hoạt động tế lễ, đọc chúc văn là chương trình nghệ thuật trình diễn gói bánh chưng, giã bánh giầy do các nghệ nhân Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa biểu diễn. Đây là chương trình nghệ thuật độc đáo, mới lạ, hấp dẫn, mô tả cách làm bánh chưng, giã bánh giầy được đông đảo nhân dân và du khách thập phương theo dõi. Từng động tác, từng cung đoạn, nhịp độ, sự cố gắng, nhiệt tình của các nghệ nhân, thể hiện sức mạnh đoàn kết, sức khỏe dẻo dai, khéo léo qua từng tiếng chày, từng đôi bàn tay với tấm lòng thành kính, tạo vật phẩm thiêng liêng trời đất vuông tròn, dâng lên thần Độc Cước.

Chương trình nghệ thuật trình diễn gói bánh chưng, giã bánh giầy

          Sôi động, hấp dẫn nhất là phần thi làm bánh giầy giữa các làng thu hút đông đảo  nhân dân và du khách xem, cổ vũ. Mỗi đội thi nhận gạo nếp, lửa từ Ban tổ chức và chuẩn bị các vật dụng cần thiết. Gạo nếp được nấu chín đưa vào cối giã nhuyễn, nhào kỹ sao cho mịn, cho dẻo và nặn thành hình tròn, đúng kích thước và đẹp mắt, đưa về Ban tổ chức để chấm điểm. Sau khi lễ hội kết thúc, bánh sẽ được phát cho dân làng để cùng nhau hưởng phúc lộc, gặp nhiều may mắn và bình an.

          Hòa mình vào dòng người tham dự lễ hội, chị Nguyễn Quỳnh Hoa, du khách đến từ Bắc Ninh rất hào hứng: “Tôi cảm thấy rất may mắn khi đến Sầm Sơn đúng dịp lễ hội. Rất đông du khách cùng tham dự và cổ vũ cho các nghệ nhân làm bánh tạo nên không khí vô cùng sôi động. Đây thực sự là hoạt động đặc sắc thu hút khách du lịch khi về với vùng biển Sầm Sơn”

          Cùng chung cảm nhận với chị Hoa, anh Phùng Tiến Thọ, du khách đến từ Phú Thọ chia sẻ: “Tôi cảm nhận lễ hội bánh chưng – bánh giày Sầm Sơn rất tôn nghiêm, thành kính nhưng rất sôi nổi, hấp dẫn. Nghi thức rước kiệu  với các trang phục truyền thống và không khí làm bánh giầy cho tôi cảm giác được trở về với những thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Hoạt động này rất thiết thực và ý nghĩa”.

Sôi động với phần thi giã bánh giầy

          Lễ hội bánh chưng – bánh giày nằm trong chuỗi các hoạt dộng văn hóa – thể thao – du lịch chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước và chào mừng thành phố Sầm Sơn tròn 1 năm tuổi. Lễ hội bánh chưng – bánh giầy năm 2018 đã thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một đô thị du lịch biển tươi đẹp và giàu bản sắc văn hóa.

Đồng chí Hoàng Khắc Nhu, Phó Chủ tịch UBND thành phố trao giải nhất toàn đoàn cho Làng Núi, phường Trường Sơn.

          Kết thúc lễ hội, ban tổ chức đã trao giải nhất toàn đoàn cho Làng Núi (phường Trường Sơn) và các nội dung thi. Giải nhất nội dung rước kiệu thuộc về Làng Núi (phường Trường Sơn), giải nhất nội dung trang trí mâm sơn trang thuộc về làng Lương Trung (phường Bắc Sơn), giải nhất phần thi giã bánh giầy thuộc về đền Đề Lĩnh (phường Trung Sơn).

Nguyễn Hiền