Đề án phát triển hệ thống cấp nước đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đạt 95% trở lên.

Chiều ngày 9/11/2016, đồng chí Ngô Văn Tuấn - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị nghe dự thảo Đề án phát triển hệ thống cấp nước đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đạt 95% trở lên.

Tại hội nghị, đơn vị tư vấn (Sở Xây dựng) đã trình bày báo cáo dự thảo Đề án phát triển hệ thống cấp nước đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đạt 95% trở lên. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 đối với các đô thị hiện có thì tổng công suất nhà máy cấp nước sạch đô thị cần bổ sung 380.740 m3/ng.đ, trong đó vùng đồng bằng đạt 228.740 m3/ng.đ, vùng ven biển đạt 118.050 m3/ng.đ, vùng núi và trung du đạt 33.950 m3/ng.đ; đối với các đô thị dự kiến thành lập thì tổng công suất nhà máy cấp nước sạch đô thị cần bổ sung 42.900 m3/ng.đ, trong đó vùng đồng bằng đạt 12.500 m3/ng.đ, vùng ven biển đạt 16.000 m3/ng.đ, vùng núi và trung du đạt 14.400 m3/ng.đ.

Để thực hiện Đề án đã đưa ra 5 giải pháp, gồm: tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành của tỉnh; tăng cường sự tham gia của tư nhân/xã hội hóa; đa dạng hóa nguồn vốn; hợp tác quốc tế và ưu tiên dự án đầu tư từng năm.

Đồng chí Ngô Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại hội nghị.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Ngô Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, mục tiêu của Đề án là phát triển hệ thống cấp nước sạch cho các đô thị tỉnh đến năm 2020 đạt 95% trở lên, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người dân, đáp ứng các nhu cầu khác của xã hội; đồng thời làm cơ sở để xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện dự án công trình cấp nước sạch cho các đô thị trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đóng góp ý kiến cụ thể vào từng nội dung của dự thảo. Theo đó, đồng chí yêu cầu phần đánh giá thực trạng đô thị và hệ thống cấp nước sạch cần đánh giá kỹ, sâu, rõ hiện trạng đối với từng vùng, từng đô thị; đồng thời phải bổ sung nội dung đánh giá chất lượng nguồn nước trên địa bàn tỉnh, đánh giá kịch bản nước biển dâng; ngoài ra cần phân tích hiệu quả các dự án cấp nước sạch đã đầu tư để có bức tranh toàn cảnh về thực trạng hệ thống cấp nước sạch của tỉnh, đúc rút được hạn chế, tồn tại và nguyên nhân khó khăn để có giải pháp trong giai đoạn tới. Đồng chí lưu ý, phương án lựa chọn nguồn nước trong thời gian tới là ưu tiên nước mặt, nguồn dự trữ là nước ngầm; từ đó có giải pháp đảm bảo chất lượng nguồn nước mặt và bảo vệ nguồn nước ngầm. Về các giải pháp thực hiện, đồng chí nhấn mạnh giải pháp quan trọng nhất là thu hút đầu tư, do vậy đơn vị soạn thảo cần làm rõ, kỹ, cụ thể giải pháp thu hút vốn đầu tư cho từng vùng, địa phương, trong đó chú trọng thu hút vào các địa phương đang đạt tỷ lệ cấp nước sạch thấp; có dự trù cụ thể nguồn vốn thực hiện. Đồng chí yêu cầu đơn vị soạn thảo tiếp thu các ý kiến kiến tại hội nghị, hoàn chỉnh dự thảo, sau đó tiếp tục gửi xin ý kiến các ngành trước khi báo cáo UBND tỉnh./.

 

Bích Phương