65 năm Sầm Sơn thực hiện lời Bác căn dặn – Một hành trình đầy tự hào, trách nhiệm và khát vọng.
Cách đây tròn 65 năm, vào một ngày tháng 7 lịch sử 17/7/1960, Bác Hồ kính yêu đã về thăm Sầm Sơn – một sự kiện đầy xúc động, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người dân nơi đây. Trong chuyến thăm ấy, Bác đã ân cần căn dặn: " Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch, khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”. Lời căn dặn của Bác chính là kim chỉ nam để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn không ngừng phấn đấu, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh – xứng đáng là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu của cả nước.
Phóng viên Đài Truyền thanh - Truyền hình phường Sầm Sơn phỏng vấn đồng chí Bùi Quốc Đạt, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ phường Sầm Sơn
Nhân kỷ niệm 65 năm sự kiện thiêng liêng và đáng nhớ này (17/7/1960 -17/7/2025), Phóng viên Đài Truyền thanh – Truyền hình phường Sầm Sơn đã có cuộc phỏng vấn, trò chuyện với hai vị khách mời: đồng chí Bùi Quốc Đạt – Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ phường Sầm Sơn và đồng chí Ngô Thị Ánh – Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng uỷ, Trưởng phòng Văn hoá – Xã hội, UBND phường Sầm Sơn để cùng nhìn lại hành trình 65 năm thực hiện lời Bác căn dặn với chủ đề: “65 năm Sầm Sơn thực hiện lời Bác căn dặn – Một hành trình đầy tự hào, trách nhiệm và khát vọng”
Phóng viên: Vâng, thưa quý vị và bạn đọc thân mến, trước hết chúng ta hãy cùng trao đổi với đồng chí Bùi Quốc Đạt, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ phường Sầm Sơn - người đã đồng hành cùng Sầm Sơn trong quá trình xây dựng và phát triển du lịch.
Xin chào đồng chí Bùi Quốc Đạt, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ phường Sầm Sơn, cảm ơn đồng chí đã dành thời gian tham gia chương trình!
Đồng chí Bùi Quốc Đạt, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ phường Sầm Sơn: Xin chào quý bạn đọc. Xin chào nữ biên tập viên của Đài Truyền thanh - Truyền hình Phường Sầm Sơn. Rất là vui mừng và vinh dự được ngồi đây để trao đổi với quý bạn đọc cùng với biên tập viên về những ước mơ và khát vọng lớn của Phường Sầm Sơn trong kỷ nguyên mới. Xin chúc sức khỏe toàn thể nhân dân, quý bạn đọc và biên tập viên lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong công việc của mình.
Phóng viên: Được biết, sau những lần cải cách hành chính, từ thị trấn nhỏ, đến năm 2017, Sầm Sơn đã được chính thức công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Và đến nay, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thành phố Sầm Sơn thành lập 2 phường: Sầm Sơn và phường Nam Sầm Sơn. Trong đó, phường Sầm Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập các phường: Trường Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn, Quảng Cư, Quảng Tiến, Quảng Châu và Quảng Thọ. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển. Vậy, đồng chí có thể chia sẻ thêm về những thay đổi lớn này và những cơ hội mà du lịch Sầm Sơn đang hướng tới?
Đồng chí Bùi Quốc Đạt, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ phường Sầm Sơn: Việc thay đổi cấp chính quyền địa phương 2 cấp, đây là một cơ hội rất lớn để đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của một dân tộc hùng cường và trường tồn. Một kỷ nguyên tiếp tục xây dựng cuộc sống cho nhân dân ngày càng ấm no hơn, hạnh phúc hơn. Như lúc sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn, dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, xây dựng đất nước ta sánh vai cùng với các cường quốc năm châu trên thế giới.
Đối với phường Sầm Sơn của chúng ta hiện nay và thành phố Sầm Sơn của chúng ta trước kia. Với lần cải cách hành chính này, phường Sầm Sơn trên cơ sở sáp nhập của 7 phường cũ, đây là một trong những điều kiện tốt để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Sầm Sơn sẽ hiện thực hóa được khát vọng của mình trong xu thế phát triển mới. Xây dựng đô thị du lịch, văn minh, thân thiện, hấp dẫn, là điểm đến của du khách và là một trong những trung tâm du lịch của khu vực.
Điều tôi muốn chia sẻ thêm là với lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu khi Người về thăm Sầm Sơn là phải xây dựng nhiều nhà hàng, khách sạn để thu lấy tiền, với mục đích để nhân dân của chúng ta ngày càng ấm no hơn, đời sống của nhân dân ta ngày càng hạnh phúc hơn. Nhất là thế hệ trẻ Sầm Sơn ngày càng vươn mình, ngang tầm với thời đại, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tôi hy vọng với sự thay đổi này, nhân dân Sầm Sơn của chúng ta sẽ có cuộc sống ngày càng ấm no, phường Sầm Sơn ngày càng phồn vinh và tươi đẹp hơn.
Phóng viên: Là người lãnh đạo gắn bó mật thiết với quá trình phát du lịch. Vậy để thực hiện hoá lời căn dặn của Bác Hồ khi người về thăm, phường Sầm Sơn cần phải làm gì trong giai đoạn mới này?
Đồng chí Bùi Quốc Đạt, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ phường Sầm Sơn: Trong lần thứ ba Bác về thăm tỉnh Thanh, Sầm Sơn của chúng ta vinh dự được Bác về thăm từ ngày 17 đến ngày 19/7 năm 1960 và năm nay phường Sầm Sơn chúng ta kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm và chúng ta đánh giá lại trong suốt 65 năm qua - Một hành trình đầy tự hào, trách nhiệm và khát vọng.
Tôi rất tâm đắc và luôn suy nghĩ, trăn trở về những điều mà Người đã căn dặn, mong muốn. Khát vọng tầm nhìn của Bác Hồ khi Người ngồi trên đỉnh núi Trường Lệ huyền tích, người nghĩ về một tương lai tươi sáng của Sầm Sơn, do vậy chúng ta phải có trách nhiệm, quyết tâm làm bằng được, hiện thực hóa bằng được lời căn dặn của Bác.
Trong thời gian tới, Cấp ủy, chính quyền phường Sầm Sơn phải đẩy nhanh công tác cải cách hành chính, trong đó quan tâm thực hiện thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn phường. Đồng thời mỗi cán bộ, đảng viên phải đồng hành với các doanh nghiệp, với các nhà đầu tư, coi đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình để góp phần xây dựng phường của chúng ta ngày càng văn minh, hạnh phúc hơn.
Việc thứ hai là chúng ta phải thực hiện nghiêm túc quy hoạch đã được Chính phủ, UBND tỉnh phê duyệt và chính các quy hoạch này sẽ là một điều kiện, cơ hội để du lịch Sầm Sơn có một diện mạo mới, một tầm vóc mới, đáp ứng được với kỳ vọng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cấp các ngành giao.
Điều thứ ba, đó chính là mỗi người dân phải thực sự thay đổi trong tư duy làm du lịch, có như vậy thì du lịch mới phát triển bền vững, chúng ta mới hiện thực hóa được ước mơ và khát vọng là du lịch bốn mùa và đó cũng chính là cách mà mỗi người dân của chúng ta, mỗi cán bộ đảng viên của chúng ta thực hiện hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi người về thăm Sầm Sơn.
Và tôi tin là Sầm Sơn của chúng ta sớm trở thành một đô thị du lịch thông minh, hiện đại, hấp dẫn là điểm đến của du khách.
Phóng viên: Vâng, cảm ơn đồng chí Bùi Quốc Đạt, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ phường Sầm Sơn. Và ngay sau đây, chúng ta hãy cùng gặp gỡ, trao đổi với vị khách mời thứ 2, đồng chí Ngô Thị Ánh, Trưởng phòng Văn hoá – Xã hội, UBND phường Sầm Sơn.
Phóng viên Đài Truyền thanh - Truyền hình phường Sầm Sơn phỏng vấn đồng chí Ngô Thị Ánh, Trưởng phòng Văn hoá – Xã hội, UBND phường Sầm Sơn
Phóng viên: Xin chào đồng chí Ngô Thị Ánh, Trưởng phòng Văn hoá – Xã hội, UBND phường Sầm Sơn, cảm ơn đồng chí đã tham gia chương trình hôm nay!
Đồng chí Ngô Thị Ánh: Xin chào quý bạn đọc và cảm ơn chương trình đã mời tôi tham gia.
Phóng viên: Thưa đồng chí, trong suốt 65 năm qua kể từ khi Bác Hồ căn dặn, theo đồng chí, đâu là những yếu tố cốt lõi đã giúp Sầm Sơn thực hiện thành công tâm nguyện đó của Người và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn như hôm nay?
Đồng chí Ngô Thị Ánh, Trưởng phòng Văn hoá – Xã hội, UBND phường Sầm Sơn: Vâng, cách đây tròn 65 năm, vào ngày 17 tháng 7 năm 1960, Bác Hồ kính yêu đã về thăm và căn dặn Đảng bộ, nhân dân Sầm Sơn “Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch, khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, lời căn dặn của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho mọi định hướng phát triển của Sầm Sơn. Theo tôi, có ba yếu tố then chốt giúp Sầm Sơn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn như ngày hôm nay:
Thứ nhất, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền – từ tỉnh đến địa phương – đã tạo nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch. Các cơ chế, chính sách ưu tiên được ban hành kịp thời, thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các dự án trọng điểm như: Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội, khu đô thị sinh thái ven biển...
Thứ hai, sự vào cuộc quyết liệt của người dân và cộng đồng doanh nghiệp – những chủ thể quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ gìn môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa và tạo dựng hình ảnh Sầm Sơn thân thiện, mến khách.
Thứ ba, giá trị thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, với bãi biển dài, đẹp, khí hậu ôn hòa, cùng các lễ hội truyền thống như: Lễ hội cầu phúc Đền Độc Cước, lễ hội Bánh chưng – Bánh dày, lễ hội Cầu ngư – Bơi trải... đã tạo nên sức hút riêng biệt, khó nhầm lẫn cho Sầm Sơn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Tất cả những yếu tố ấy hội tụ, kết tinh trong tinh thần làm du lịch “bằng cả trái tim”, với một khát vọng mạnh mẽ đưa Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch biển thông minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin và tình cảm mà Bác Hồ đã gửi gắm cách đây 65 năm.
Phóng viên: Là thế hệ cán bộ trẻ, đang giữ chức Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội phường Sầm Sơn, vậy đồng chí sẽ làm gì để góp phần thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: "Sầm Sơn phải tận dụng lợi thế mà thu lấy tiền” trong giai đoạn mới này, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp?
Đồng chí Ngô Thị Ánh, Trưởng phòng Văn hoá – Xã hội, UBND phường Sầm Sơn: Vâng, là một cán bộ trẻ được giao nhiệm vụ ở lĩnh vực văn hóa – xã hội trong giai đoạn Sầm Sơn đang chuyển mình mạnh mẽ, tôi luôn trăn trở và ý thức sâu sắc về lời căn dặn của Bác Hồ. Theo tôi, lời Bác dạy không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn là định hướng phát triển bền vững dựa trên khai thác hiệu quả các giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người nơi đây.
Trong bối cảnh chính quyền địa phương hoạt động theo mô hình 2 cấp, với sự phân cấp rõ ràng, tôi xác định nhiệm vụ trọng tâm của mình là:
Thứ nhất, tham mưu xây dựng và triển khai các hoạt động văn hóa – du lịch có chiều sâu, gắn với bản sắc địa phương như lễ hội truyền thống, nghệ thuật dân gian, không gian văn hóa cộng đồng…, để mỗi sự kiện trở thành một sản phẩm thu hút du khách, đồng thời tạo sinh kế cho người dân.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư để nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, giữ gìn môi trường sống và hình ảnh văn minh – thân thiện của Sầm Sơn, góp phần nâng tầm giá trị điểm đến.
Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, xây dựng các mô hình quản lý thông minh, quảng bá du lịch số, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, nhất là giới trẻ, tham gia sáng tạo nội dung, phát triển dịch vụ mới phù hợp với thị trường hiện đại.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, tôi tin rằng thế hệ trẻ chúng tôi sẽ cùng nhau góp phần hiện thực hóa lời dạy của Bác bằng những hành động cụ thể, để mỗi tiềm năng của Sầm Sơn thực sự trở thành nguồn lực – đúng như Người hằng mong muốn.
Phóng viên: Xin cảm ơn các vị khách mời hôm nay. Thay mặt cho những người thực hiện chương trình, xin kính chúc các đồng chí sức khỏe, tiếp tục có nhiều cống hiến, xây dựng quê hương Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch biển nổi tiếng như tâm nguyện Bác Hồ căn dặn. Chúc cho phường Sầm Sơn phát triển mạnh mẽ và luôn là điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế.