Đây là một quyết định đúng và trúng, nó vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong công tác xây dựng Đảng.
Hơn hai năm qua, cuộc vận động đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân, không chỉ trong nước, mà người Việt Nam ở nước ngoài nhiệt liệt hưởng ứng. Từ thành thị đến nông thôn, từ các nhà máy, xí nghiệp đến các trường học và trong các đơn vị lực lượng vũ trang... đâu đâu cũng sôi nổi phong trào nghiên cứu, học tập và kể những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác.
Làm thế nào để cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, có sức sống lâu bền trong đời sống xã hội? Đây là một câu hỏi lớn đang được đặt ra đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Thực tế hai năm qua, chúng ta đã làm khá mạnh, khá bài bản công việc triển khai quán triệt nhằm nâng cao nhận thức về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và tầm quan trọng của tư tưởng đạo đức của Người trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, khi chuyển hướng cuộc vận động sang “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác, chúng ta đã gặp những lúng túng. Có hai nguyên nhân cơ bản: Một là: Dường như chúng ta bị ngợp bởi cái lớn lao, cái vĩ đại của con người Hồ Chủ tịch. Bởi vậy, khi nói noi gương Bác, làm theo Bác, ta cảm thấy thiếu tự tin, mạnh dạn. Hai là : Hướng vận động của chúng ta còn chung chung. Đành rằng, nêu tấm gương đạo đức Bác Hồ là để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân học tập, nhưng đối tượng xã hội nào cần tập trung vận động trước thì nói chưa rõ, chưa kỹ, chưa thường xuyên.
Để cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, có sức sống lâu bền trong đời sống xã hội, thiết nghĩ:
Thứ nhất: Bác Hồ vĩ đại, tầm tư tưởng của Bác sâu sắc lớn lao, điều này đã hiển nhiên; không chỉ chúng ta, mà cả thế giới đã thừa nhận. Nhưng tư tưởng đạo đức của Bác không phải là những trang lý luận khô cứng, dài dòng. Nói đến đạo đức Bác Hồ, là nói đến đạo đức hành động, đạo đức nêu gương. Gương ấy bộc lộ trong lối sống sâu sắc mà giản dị, vĩ đại mà gần gũi, rất mực đời thường của Người. Nếu biết lẩy ra từng việc, từng ý thì trong cuộc sống xung quanh ta, có biết bao điều có thể học và làm theo Bác. Cái khó là ta có sẵn lòng làm theo, có quyết tâm làm theo gương của Bác hay không ?!
Thứ hai: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, mỗi cơ quan, mỗi địa phương, mỗi đơn vị, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải gương mẫu làm trước. Tùy theo tình hình cụ thể của từng cơ quan, địa phương, đơn vị mà chọn một hai nội dung thực hiện - những nội dung đó có thể không thuộc về những vấn đề lớn lao, mà chỉ là những hành động cụ thể, những ứng xử với xung quanh trong công việc hàng ngày.
Thứ ba: Hàng tháng, hàng quý, gắn với sinh hoạt của đoàn thể chính trị, sinh hoạt chuyên môn, cần có đánh giá, kiểm điểm, biểu dương, khen thưởng, khích lệ những cá nhân, tập thể thực hiện tốt việc noi gương đạo đức Bác Hồ; nhắc nhở những việc làm chưa tốt, còn thiếu sót, khuyết điểm... Làm được như vậy, chắc chắn tác động của cuộc vận động sẽ rất lớn. Vấn đề này, ai cũng nhận thức được, nhưng nói chưa mạnh, làm chưa được nhiều.
Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị Trung ương sơ kết 2 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã hết sức lưu ý đến vấn đề này cả trong phần đánh giá mặt tồn tại và phần nêu phương hướng nhiệm vụ thời gian tới. Đồng chí nhấn mạnh: “Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì, chủ chốt; thực hiện phương châm “trong trước, ngoài sau, trên trước, dưới sau”..., “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Ở tỉnh ta, các phương tiện thông tin đại chúng vẫn duy trì thường xuyên chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều gương sáng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Bác Hồ ở khắp các đơn vị, địa phương trong tỉnh được biểu dương, khích lệ kịp thời. Song, tính phổ biến, tính vững trãi, tính rộng khắp của sự lan tỏa từ các tấm gương đã nêu chưa mạnh, chưa thuyết phục. Đây là một đòi hỏi rất lớn và rất khó đối với những người đang giữ trọng trách trong các cơ quan, đơn vị hiện nay.
Hy vọng trong quá trình thực hiện chủ đề của cuộc vận động năm 2009: “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” gắn với kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, chúng ta sẽ có được những chuyển biến mới cả trong nhận thức và hành động để cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thực sự đi vào cuộc sống, trở thành nền tảng tư tưởng đạo đức vững chắc của các thế hệ con người Việt Nam hôm nay và mai sau.