2987 người đang online

Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh - một giá trị độc đáo của thời đại:

Đăng ngày 16 - 09 - 2011
100%

- Văn hóa là tổng thể sống động các giá trị sáng tạo, hình thành nên hệ thống giá trị; phản ánh trình độ phát triển của con người và xã hội loài người trong quá trình vận động và phát triển. Văn hóa ứng xử là biểu hiện giá trị nhân văn; là phản ánh “trình độ người” trong quan hệ cộng đồng xã hội.

Vì vậy, có thể nói: Hồ Chí Minh – Cuộc đời và sự nghiệp; tư tưởng và phương pháp; trí tuệ và đạo đức... tất cả đều hòa quyện và hun đúc tạo nên một giá trị văn hóa ứng xử độc đáo của Người – Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh.

Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh  thực sự là một kiểu mẫu hiếm thấy của văn hóa làm người, văn hóa nhân cách trong thời đại mới. Chiều sâu nhân bản, tầm cao nhân đạo của triết lý và tư tưởng Hồ Chí Minh từ cội nguồn dân tộc, đã đến cùng thời đại; nâng văn hóa ứng xử của Người lên thành các giá trị nhân văn, nhân bản độc đáo của thời đại.

Tính nhân văn, nhân bản trong Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh biểu hiện ở sự nhạy cảm, mẫn cảm sâu sắc của trái tim yêu nước, thương dân, thương nhân loại khổ đau luôn quan tâm đến những số phận con người và tranh đấu giải phóng con người và loài người ra khỏi xiềng xích nô lệ – đó là tư tưởng đã kết tinh thành những giá trị, sẵn sàng hành động hiến dâng, hy sinh; hóa thân trọn vẹn và toàn vẹn bản thân mình vào dân tộc và nhân loại. Hồ Chí Minh – một con người mà bất cứ lúc nào và ở đâu Người cũng  bền bỉ thực hành  lời nói đi đôi với việc làm, trau  dồi đức tính cần kiệm, liêm chính, chí công, vô  tư; nghiêm khắc với mình, rộng lòng khoan dung với người; luôn kiên trì “Giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng ham muốn về vật chất”; chí tâm, đoàn kết và thanh khiết.

Nhân văn trong triết lý nhân sinh và triết lý hành động của Hồ Chí Minh là hướng tới và gắn liền với hoạt động thực tiễn và văn hóa ứng xử với con người, vì con người. Hồ Chí Minh luôn coi dân là chủ thể làm nên mọi giá trị nên phải luôn thân dân, trọng dân và tin dân; lấy dân làm đối tượng phục vụ – Thấu hiểu dân tình, chăm do dân sinh, nâng cao dân trí để thực hành  dân chu, đó là cốt cách văn hóa Hồ Chí Minh. Người căn dặn: Đảng phải làm tất cả những gì có thể, để bồi dưỡng sức dân, chăm lo phát triển sức dân, đồng thời phải hết sức tiết kiệm sức dân. Người nói: “Mỗi đồng tiền bát gạo mà chúng ta tiêu dùng đều là mồ hôi, nước mắt của dân” (1). Thương dân thì phải tiết kiệm, lãng phí là không thương dân, tham ô là có tội với dân, vì vậy phải diệt trừ tội ác đó. Trong điều giản dị ấy, sự  cảm động từ một tấm lòng có sức lan tỏa, cảm hóa những tấm lòng khác, ấy là lòng nhân ái – đây là một trong  những điểm tựa vững chắc hun đúc thành văn hóa ứng xử độc đáo của Người - Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh luôn tâm niệm, đã là người thì ai cũng có tình người, vì vậy đòi hỏi chúng ta phải thức tỉnh điều tốt đẹp ấy; làm cho nó nẩy nở, phát triển, đó là phương pháp, nghệ thuật giáo dục của Hồ Chí Minh. Người đưa ra một  tổng kết từ sự trải nghiệm trực tiếp của cuộc đời mình: “Sông sâu biển rộng bao nhiêu nước cũng vừa, cái đĩa cạn, cái chén nhỏ thì chỉ cần một giọt nước cũng tràn đầy, chỉ sợ mình không có lòng bao dung nhân ái chứ không sợ người ta không theo mình” (2). Sự chân thành và hết mình  ấy trong văn hóa ứng xử để giáo dục, cảm hóa con người, thuyết phục và thu phục nhân tâm ở Hồ Chí Minh thực sự là một kiểu mẫu, một tấm gương soi cho đương thời và hậu thế – Người tiêu biểu cho văn hóa ứng xử một cách dung dị độc đáo và tinh tế - Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh.

Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là sự kết hợp giáo dục bằng ngôn ngữ với thực hành bằng công việc thực tế hàng ngày và bằng sự nêu gương... Tất cả những điều đó phải xuất phát từ tấm lòng chân thành, khiêm tốn, giản dị và nhân ái vị tha. Đó là sức mạnh bền bỉ để con người vượt qua mọi khó khăn, giữ vững được niềm tin làm chủ chính mình và hoàn cảnh để đi tới mục đích của cuộc sống và cuộc đời.

Điều chú ý sâu sắc từ tư tưởng và thực tiễn sống động Hồ Chí Minh chính là ở chỗ: Văn hóa ứng xử, trước hết là văn hóa tự ứng xử, trau dồi học vấn để từng bước đạt tới sự trưởng thành văn hóa và  hun đúc thành phong cách, rèn luyện đạo đức, tạo dựng nhân cách. Những nội dung giáo dục ấy phải thấm sâu vào tình cảm con người, tăng cường được năng lực trí tuệ và tự giác trở thành nhu cầu và lối sống. Như vậy giáo dục trở thành tự giáo dục, bởi thế biết hướng thiện và phục thiện là một khởi nguồn quan trọng để mỗi con người tự hoàn thiện nhân cách của chính mình.

Xuyên suốt cuộc đời Hồ Chí Minh luôn chú trọng giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân mà đặc biệt là thế hệ trẻ mà Người rất mực yêu thương về phương pháp và dùng phương pháp để thực hành chân lý, dùng những tấm gương  trong thực tế và tự mình nêu gương để giáo dục con người trở thành tốt đẹp. Phương châm mà Người nêu lên và căn dặn chúng ta là: Bất cứ việc gì, dù to hay nhỏ, muốn thực hiện được, muốn mọi người cùng làm thì phải có phương pháp cho đúng và dùng phương pháp cho khéo. Người là bậc thầy của phương pháp và là nhà biện chứng thực hành xuất sắc nhất của cách mạng Việt Nam. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là  sự cô đúc tất cả tư tưởng và phương pháp Hồ Chí Minh. Đó chính là bản chất cốt cách Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh.

Ánh sáng tư tưởng, trí tuệ và đạo đức Hồ Chí Minh có nguồn sáng từ những chân lý lớn của lịch sử và thời đại, từ quy luật của muôn đời kết tinh lại thành những giá trị văn hóa và hun đúc thành phong cách, nó phản chiếu vào Hồ Chí Minh – Con người ở tầm đại trí; đại nhân; đại dũng – con người mang giá trị chân, thiện, mỹ và luôn gắn bó máu thịt với dân, hóa thân vào nhân dân nên đã sống trong lòng nhân dân.

Lý tưởng đã trở thành hiện thực và hiện thực đã vươn tới lý tưởng luôn quyện chặt hiển hiện trong con người Hồ Chí Minh. Dân tộc và non sông đất nước ta đã sinh ra Người và chính Người đã làm rạng rỡ non sông đất nước và dân tộc ta như một sự thăng hoa.

Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp với tấm gương chói sáng. Mỗi chúng ta đều cảm nhận rằng Bác vẫn còn sống mãi với chúng ta, vẫn   luôn ở bên cạnh chúng ta, dẫn dắt chúng ta đi tới những mục tiêu và lý tưởng cao đẹp, sự hoàn thiện nhân cách và văn hóa ứng xử độc đáo của Người, mà mỗi chúng ta nhận thấy “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” (3). Chúng ta luôn thấy, tình yêu thương và tấm lòng bao dung, nhân ái của Bác; cổ vũ thôi thúc  chúng ta hôm nay và mãi mãi mai sau sẽ làm nên những điều tốt đẹp, cho hôm nay và cho muôn đời sau; mỗi chúng ta góp phần nhỏ nhoi của mình vào sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân ta vươn tới thực hiện thắng lợi những mục tiêu cao cả mà Đảng ta đã lựa chọn cho cách mạng Việt Nam – Tiếp tục  nâng dân tộc ta lên những tầm cao mới.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB CTQG.H1995, tr 329.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB CTQG.H1995, tr 523.

(3) Tố Hữu – “Bác ơi” NXB GD.H1995, tr 458.

<

Tin mới nhất

Thành ủy Sầm Sơn: Sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị và biểu dương các...(05/04/2023 3:02 CH)

Đảng ủy xã Quảng Minh: Sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW và biểu dương khen thưởng các tập...(31/03/2023 4:03 CH)

Mỗi việc làm, một ý nghĩa thiết thực(07/02/2013 11:59 SA)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương(06/09/2012 11:54 SA)

Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh - một giá trị độc đáo của thời đại:(16/09/2011 10:40 SA)

Chi hội trưởng cựu chiến binh “ba nhất” ở Quảng Cư:(16/09/2011 10:40 SA)

Để cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt hiệu quả thiết thực, có...(16/09/2011 10:40 SA)

Mỗi việc làm, một ý nghĩa thiết thực:(16/09/2011 10:40 SA)

    °