1074 người đang online

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương

Đăng ngày 06 - 09 - 2012
100%

Gương mẫu là một mệnh lệnh không lời. Sức mạnh của nêu gương đạo đức vô cùng to lớn. Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương về đạo đức, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

 Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương đạo đức mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo. Tấm gương đạo đức của Người đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường. Người nhận thức rằng: Đối với các dân tộc phương Đông thì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Do vậy, khi địa vị càng cao, uy tín càng lớn, Hồ Chí Minh càng ra sức tự hoàn thiện để trở thành tấm gương đạo đức trọn vẹn.     
Sinh thời, khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói đang đến gần, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng một hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo đó cứu những người bị đói và chính Người đã làm gương thực hiện trước. Hồ Chí Minh đã tiếp thu truyền thống “thương người như thể thương” của dân tộc, nâng lên thành triết lý hành động cách mạng vì dân, vì nước trong mỗi con người.   

Theo Hồ Chí Minh, nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Trong đó chủ yếu trên ba mối quan hệ đối với mình, đối với người, đối với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày; đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng; đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư), đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, gian khổ, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.   

Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: "Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới". Trong gia đình, cha mẹ có thể là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.
 
Xây phải đi đôi với chống. Hồ Chí Minh đã sớm khởi xướng và kiên trì cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong mọi thời điểm cách mạng. Người chỉ rõ: “Muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”. Vì chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh chính, đẻ ra trăm thứ bệnh và nhiều thói hư tật xấu trong cán bộ, đảng viên. Nguy hiểm hơn, "những người mắc bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà "tự tư tự lợi". Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình". Người đã tiên lượng, thấy trước tính nguy hiểm, độc hại của chủ nghĩa cá nhân khi nước ta hòa bình, thống nhất: "Việc đấu tranh với kẻ địch ở tiền tuyến còn dễ, nhưng việc đấu tranh với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần là một khó khăn, đau xót". Những dự cảm, tiên lượng đó của Người đã được thực tiễn chứng minh, làm rõ.           

Không lâu trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân"(5). Bởi vì “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
 
Đảng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”. Nghị quyết thẳng thắn chỉ ra rằng: Hiện nay, “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
 
Thực hiện Nghị quyết, Đảng nêu 4 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng nhất, tiên quyết là “nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên”. Như vậy, để tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, các quy định về xây dựng Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Đảng ta một lần nữa yêu cầu phải "phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trong công tác, học tập, lối sống" của mỗi đảng viên ở nơi công tác, trong tổ chức đảng và ở nơi cư trú.
 
Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất vẫn là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Mất lòng tin của dân là mất tất cả. Bởi vì, một khi quần chúng nhân dân đã mất niềm tin vào đạo đức của người cầm quyền, người lãnh đạo thì niềm tin chính trị của họ cũng không còn. Người lãnh đạo có được dân “tâm phục khẩu phục” hay không là ở chỗ đó. Sau khi Lênin qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết những dòng xúc động về tấm gương đạo đức vĩ đại của V.I.Lênin: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người không gì ngăn cản nổi”. Đến lượt mình, Hồ Chí Minh đã để lại một tấm gương đạo đức cao đẹp trong sáng, trở thành một trong những người có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với nhân dân các nước trên thế giới trong thế kỷ XX. Gương mẫu là một mệnh lệnh không lời. Sức mạnh của nêu gương đạo đức vô cùng to lớn.
Thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương về đạo đức. Nêu gương sẽ có “hiệu ứng lan tỏa, lôi kéo quần chúng noi theo "đảng viên đi trước, làng nước đi sau", tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “ Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Theo Tạp chí XDĐ

<

Tin mới nhất

Thành ủy Sầm Sơn: Sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị và biểu dương các...(05/04/2023 3:02 CH)

Đảng ủy xã Quảng Minh: Sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW và biểu dương khen thưởng các tập...(31/03/2023 4:03 CH)

Mỗi việc làm, một ý nghĩa thiết thực(07/02/2013 11:59 SA)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương(06/09/2012 11:54 SA)

Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh - một giá trị độc đáo của thời đại:(16/09/2011 10:40 SA)

Chi hội trưởng cựu chiến binh “ba nhất” ở Quảng Cư:(16/09/2011 10:40 SA)

Để cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt hiệu quả thiết thực, có...(16/09/2011 10:40 SA)

Mỗi việc làm, một ý nghĩa thiết thực:(16/09/2011 10:40 SA)

    °