Căn phòng nhỏ chừng 7m2, chỉ kê được 1 chiếc giường ngủ, chiếc ti vi cũ kỹ được đặt trên một bàn con cạnh lối ra vào, bên cạnh đó là chiếc tủ đã sập sệ. Kèo nhà đã bị mối ăn mọt, ông Hội xin được người quen cây luồng cũ chống đỡ, lấy dây thép cột lại, trông ọp ẹp, nguy hiểm, dưới nền nhà vẫn còn vũng nước mưa – hậu quả của trận mưa đêm hôm trước.
Bà Phạm Thị Vậy (vợ ông Hội) và người con gái đầu bị bại não trong căn phòng nhỏ, diện tích chừng 7m2
Năm 1967, anh Nguyễn Văn Hội lên đường nhập ngũ ở chiến trường Quân khu 5. Đơn vị đóng quân là đại đội 10, Sư đoàn 5, Trung đoàn 24, sư đoàn 304, Mặt trận đường 9 - Quảng Trị. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, trong một trận càn của địch, đơn vị anh, người còn, người mất, bản thân anh bị thương nặng tưởng chừng không qua khỏi, cũng lần đó, anh bị nhiễm chất độc đioxin quái ác. Do bị thương nặng, anh được chuyển tuyến điều trị, năm 1976, anh trở về địa phương và lập gia đình với chị Phạm Thị Vậy là người cùng làng.
Năm 1977, người con gái đầu ra đời khỏe mạnh. Nhưng chỉ ít tháng sau, toàn thân bé lở loét, cơ thể gầy yếu, ngỡ con mình bị cam, chị lấy thuốc mãi vẫn không khỏi. Sau đó, đều đặn, chị lại vào bệnh viện đa khoa Sầm Sơn lấy thuốc điều trị lở loét. Người con gái thứ 2 ra đời vào năm 1979, cơ thể gầy yếu, kém phát triển, mãi 5 tuổi mới biết nói. Bà Vậy cho biết: “Lúc đó, gia đình tôi đâu biết chất độc hóa học là gì, thấy con mình ốm yếu thì nghĩ là do sức khỏe không tốt nên cố gắng chăm sóc các cháu thôi. Sau này, gia đình mới biết là bị nhiễm chất độc da cam, cả 2 bị bại não.
Gia đình anh Hội vẫn không hết nuôi niềm hi vọng có những đứa con khỏe mạnh. Hai lần sinh sau, anh chị sinh được 2 người con lành lặn. Đứa con trai út, chị đặt tên là Thành, khỏe mạnh tuy trí tuệ không được minh mẫn như người bình thường nhưng đó cũng là niềm vui, niềm an ủi với gia đình. Hiện, anh Thành đã lập gia đình, đi làm ăn xa tận tỉnh Bình Dương nhưng hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn
Kinh tế gia đình ông Hội gặp nhiều khó khăn. 2 ông bà sức khỏe yếu, chỉ sống bằng số tiền chế độ nhà nước, phải chăm sóc 2 người bệnh và thỉnh thoảng phải trợ cấp cho gia đình cậu con trai út.
Được biết, hiện nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam thị xã đang đấu mối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình ông Hội. Để gia đình ông Hội sớm có căn nhà vững chãi, ổn định cuộc sống, rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thị xã, giúp gia đình ông vơi bớt nỗi đau da cam.
Nguyễn Hiền