Chiều 2/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai mở rộng sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua ứng dụng VneID trên toàn quốc.
Đồng chí Lê Văn Tú, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố
Đồng chí Lê Văn Tú, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố. Tham dự hội nghị có đồng chí Bùi Quốc Đạt, Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND thành phố; các thành viên tổ công tác Đề án 06 thành phố cùng đại diện lãnh đạo ngành, đơn vị chức năng có liên quan. Hội nghị được kết nối tại 11 xã, phường trên địa bàn thành phố.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Sầm Sơn.
Theo báo cáo của Bộ Công an, sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đem lại thuận tiện và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân.
Cụ thể: Hà Nội tiếp nhận hơn 45.000 hồ sơ, Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ cấp phiếu LLTP trên VneID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP của 2 địa phương. Ước tính khi thực hiện cấp phiếu LLTP trên VneID sẽ giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và xã hội.
Từ kết quả bước đầu, ngày 24/8/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 656/TTg-KSTT về mở rộng thí điểm cấp phiếu LLTP qua ứng dụng VneID toàn quốc từ ngày 1/10/2024 đến hết ngày 30/6/2025.
Việc cấp phiếu LLTP qua ứng dụng VneID được thực hiện qua 10 bước theo Quy trình số 570/TTLLTPQG-QLHC do Bộ Công an ban hành ngày 20/9/2024. Trong đó, đối với trường hợp công dân không có thông tin về án tích, thực hiện trả kết quả giảm từ 10 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.
Đối với việc triển khai sổ sức khỏe điện tử, đến nay Bộ Y tế đã tạo lập được trên 98% dữ liệu sổ sức khoẻ điện tử cho người dân (32.062.931 dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó có 14.638.905 công dân đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VneID với 12.518/12.693 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT) và đồng bộ liên thông qua Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tích hợp vào VneID.
Bộ Công an phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế đã tạo lập và tích hợp 911.696 dữ liệu về giấy chuyển tuyến, 2.629.117 dữ liệu về giấy hẹn tái khám trên VneID, để sẵn sàng công bố trên toàn quốc.
Theo đánh giá của ngành chức năng, việc triển khai sổ sức khỏe điện tử sẽ giúp cho người dân có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, sử dụng giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám thông qua ứng dụng VneID một cách dễ dàng, thuận tiện, giảm bớt những thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, hàng năm ước tính sẽ tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh. Người dân hoàn toàn chủ động theo dõi hồ sơ sức khoẻ của bản thân và có thể cung cấp hồ sơ bệnh án của bản thân cho đội ngũ y bác sĩ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào; không phát sinh chi phí đối với cùng một nội dung khám dù không cùng bệnh viện...
Về phía các bệnh viện, khi dữ liệu được liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh (dữ liệu xét nghiệm, chẩn đoán...) sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí (giảm thiểu thời gian tiếp đón bệnh nhân, không phải nhập lại các dữ liệu thông tin đã có sẵn trên hệ thống) cũng như giúp phục vụ chẩn đoán chính xác và hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh, tránh lãng phí.
Về phía Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước phân tích dữ liệu sức khỏe người dân để thống kê, tổng hợp, dự báo, đưa ra các chính sách quản lý Nhà nước, chính sách củng cố, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân...
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu nêu bật tính ưu việt của sổ sức khỏe điện tử và việc cấp phiếu LLTP qua ứng dụng VneID. Chia sẻ các điều kiện cần thiết để triển khai sổ sức khỏe điện tử và việc cấp phiếu LLTP qua ứng dụng VneID trong từng ngành, từng địa phương; đồng thời thể hiện quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành và triển khai hiệu quả sổ sức khỏe điện tử và việc cấp phiếu LLTP qua ứng dụng VneID.
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Ngay sau khi có chủ trương triển khai sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu LLTP qua ứng dụng VneID, tỉnh Thanh Hóa đã sớm ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chuẩn bị chu đáo các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện. Cùng với đó, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, vai trò, ý nghĩa của việc triển khai sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu LLTP qua ứng dụng VneID đến các tầng lớp Nhân dân dưới nhiều hình thức.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh chuẩn bị tốt về nhân lực, trang thiết bị, công nghệ thông tin nhằm đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng trong quá trình triển khai tra cứu, xác minh thông tin LLTP theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cho biết: Được sự quan tâm của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, đến ngày 16/9/2024 Thanh Hóa đã hoàn thành các khâu chuẩn bị và sẵn sàng khởi động cấp phiếu LLTP qua ứng dụng VneID cho công dân.
Đối với việc triển khai sổ khám sức khỏe điện tử, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cùng với sự vào cuộc tích cực của tỉnh, Thanh Hóa đang thực hiện nhiệm vụ này theo đúng hướng dẫn, quy trình, yêu cầu và tiến độ đặt ra của Bộ Y tế, Bộ Công an.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng nêu rõ tinh thần quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa và cam kết hoàn thành tốt, cao nhất nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng giao vì sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mục tiêu cuối cùng của công tác CĐS nói chung và việc thực hiện sổ sức khỏe điện tử; cấp phiếu LLTP qua ứng dụng VneID nói riêng là vì lợi ích của người dân, vì sự hạnh phúc, ấm no của người dân. Do đó, để triển khai sâu rộng sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu LLTP trên ứng dụng VneID, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, ban hành hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc liên thông dữ liệu, hiệu chuẩn, quy chuẩn các phần mềm quản lý song song với làm sạch dữ liệu và sửa đổi, bổ sung hợp lý các quy định của pháp luật để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc chia sẻ dữ liệu.
Thủ tướng nêu rõ tư tưởng chỉ đạo trong công tác CĐS và thực hiện sổ sức khỏe điện tử; cấp phiếu LLTP qua ứng dụng VneID đó là: “Bàn làm không bàn lùi”, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội; không nói không, không nói khó, không nói khó mà không làm. Trong quá trình thực hiện quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc phải có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ kết quả. Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” và có sự kết nối, chia sẻ. Về hạ tầng phải thông suốt, quản trị và con người phải thông minh, tất cả vì đời sống, sức khỏe, tính mạng và sự thuận lợi của người dân, đặt lợi ích của người dân lên trên hết.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt quan điểm “5 đẩy mạnh” gắn với “5 đảm bảo” và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong triển khai sâu rộng sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu LLTP trên ứng dụng VneID.
Yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc quy trình thực hiện cấp phiếu LLTP trên VneID, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin trong quá trình triển khai; rà soát, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh bảo đảm đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu với phần mềm chuyên ngành. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử một cách thiết thực, hiệu quả bảo đảm quyền và lợi ích của người dân.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương đã thực hiện nghi thức ấn nút triển khai sâu rộng sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu LLTP qua ứng dụng VneID trên phạm vi toàn quốc.