Chiều tối 1/9, tại Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa); Khu di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp); Khuôn viên Tượng đài Anh Hùng Liệt sĩ Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải Quân, phường Cát Lái, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đã diễn ra chương trình Cầu truyền hình trực tiếp mang tên “Niềm tin và Khát vọng”.
Điểm cầu thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá tham dự cầu truyền hình"Niềm tin và Khát vọng" Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024)
Các đại biểu tham dự chương trình
Tham dự chương trình tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh; Mẹ Việt Nam Anh hùng; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng đông đảo cán bộ và Nhân dân TP Sầm Sơn.
Tiết mục nghệ thuật tái hiện cảnh Nhân dân Thanh Hoá đón đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc
Chương trình Cầu truyền hình được kết nối 3 địa phương gồm: Thanh Hóa, Đồng Tháp và TP. Hồ Chí Minh do Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đài PT-TH tỉnh Thanh Hóa và Đài PT-TH tỉnh Đồng Tháp tổ chức đã gợi lại ký ức của một giai đoạn lịch sử không thể nào quên của đất nước. Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi các sự kiện Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Chương trình nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam năm xưa đã không ngại hy sinh, gian khổ để ra Bắc học tập, công tác, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị lực lượng mọi mặt tiến tới Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tiết mục nghệ thuật tại chương trình (ảnh: Beat Sầm Sơn)
Thông qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, tri ân sự hi sinh của các thế hệ cha ông đi trước cho nền độc lập, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Chương trình Cầu truyền hình gồm 3 phần: Phần I - Đi vinh quang - Ở anh dũng, là sự gặp gỡ các nhân chứng với những hồi ức về những lời nhắn gửi ngày chia tay...; phần II kể về ký ức một hành trình và sự đón tiếp nghĩa nặng tình sâu của đồng bào Thanh Hóa, thể hiện là một hậu phương lớn đón tiếp những người con miền Nam bằng cả trái tim; phần III là những thước phim về hành trình tiếp nối của những hạt giống đỏ cho ngày thống nhất và đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Với thời lượng 140 phút, qua các phóng sự, video clip nhắc đến Dấu son lịch sử và niềm khát khao thống nhất; Ký ức một hành trình; Hậu phương lớn nghĩa nặng tình sâu; Miền Nam trong trái tim Người; Những người con miền Nam trên đất Bắc; Những bức thư vượt giới tuyến; Hạt giống đỏ cho ngày thống nhất và Nối mãi một hành trình.
Cách đây tròn 70 năm Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá tặng hoa Mẹ Việt Nam anh hùng
Ðây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường, mà còn là đợt chuyển quân mang trong đó tầm nhìn chiến lược của Đảng ta nhằm bồi dưỡng - đào tạo một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.
Cảng Lạch Hới (nay là phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn) - nơi đầu tiên của miền Bắc đón tiếp đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, 70 năm trước, hàng trăm ngàn người con miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào đã tập kết chuyển quân tại nhiều khu vực, trong đó có các địa phương của Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ như Xuyên Mộc-Bà Rịa, Cao Lãnh-Đồng Tháp, Sông Đốc-Cà Mau...
Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại phường Quảng Tiến (ảnh: Beat Sầm Sơn)
Đây là sự kiện chính trị quan trọng mang ý nghĩa lịch sử to lớn nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc; đồng thời thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam năm xưa đã không quản ngại hy sinh gian khổ ra Bắc học tập, công tác, xây dựng hậu phương miền Bắc vững chắc, chuẩn bị lực lượng tiến tới giải phóng miền Nam.
Để bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu và Nhân dân tham dự chương trình tại điểm cầu truyền hình ở TP Sầm Sơn, Công an tỉnh Thanh Hóa đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an TP. Thanh Hóa và Công an TP. Sầm Sơn phối hợp với các lực lượng làm công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT, trật tự ATGT, trật tự công cộng, phòng chống cháy, nổ trước, trong và sau khi diễn ra cầu truyền hình.