929 người đang online

100%

SẦM SƠN XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN
                                                                 
                                                                                            Đ/c Võ Duy Sang
                                                                        Tỉnh ủy viên – Bí thư Thị ủy Sầm Sơn    
                                            
        Sầm Sơn! Vùng đất có núi, sông, ruộng đồng, biển cả. Cảnh sắc như một bức tranh thiên nhiên hài hòa, giàu tiềm năng lợi thế; gắn liền những di tích – danh thắng đậm tính nhân văn, với truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời; từ lâu đã trở thành một trung tâm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn du khách bốn phương và bạn bè quốc tế.
Cách Thành phố Thanh hoá 16 km về phía đông, Sầm Sơn nằm ở toạ độ từ 19 – 20 độ vĩ Bắc; 104 – 105 độ kinh Đông; phía Bắc giáp bờ Nam Sông Mã; Phía Tây giáp Huyện Quảng Xương (cách con Sông Đơ); Phía đông giáp biển Đông.                                                                                
          Với diện tích tự nhiên xấp xỉ 18 km2, đất Sầm Sơn chạy dài theo 9 km bờ biển; Phía Nam có dãy núi Trường Lệ rộng khoảng 300 ha, đây là dãy núi đá hoa Cương Diệp Thạch, được hình thành cách nay trên 300 triệu năm, vách đứng về phía biển, núi được phủ xanh bởi những cánh rừng thông, bạch đàn, cây keo lá chàm và nhiều loại cây bạt ngàn bóng mát. Quá trình tạo sơn đã để lại nhiều đỉnh cao, ngọn thấp, những Hòn Cổ Giải, ngọn Đầu Voi, hòn Trống Mái, cùng những vườn đá đẹp huyền ảo, gắn với những truyền thuyết, những huyền thoại say đắm lòng người. Nối liền dãy núi Trường Lệ về phía Bắc, hơn 5 km bờ biển còn lại nơi nào cũng có thể là bãi tắm, với bờ cát mịn, bãi biển rộng, thoai thoải và sạch sẽ, làn nước biển luôn trong xanh, có nhiệt độ trung bình từ 25 – 27oc vào mùa hè, 20oc vào mùa đông, nồng độ muối vừa phải, chứa nhiều khoáng chất rất tốt cho tắm biển , nghỉ dưỡng và chữa bệnh …
      Qua nghiên cứu các tài liệu lịch sử khai thác vùng đồng bằng Thanh Hoá chúng ta thấy rằng: Sầm Sơn là một vùng đất cổ, là kết quả bầu tụ của biển, núi và rừng. Ban đầu Sầm Sơn chỉ là những cồn cát nóng bỏng trưa hè, heo hút những ngày đông, bên cạnh những dải trũng sắc nước bốn mùa trong xanh, còn nguyên vị mặn của thời biển khơi chưa bồi lấp. Cách đây 2 – 3 ngàn năm, con người đã định cư  tại đây để chăn nuôi cấy  lúa, trồng màu, khai thác hải sản, chinh phục đồng bằng và biển cả ... và ngay cả cái tên Sầm Sơn, mãi đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mới thấy xuất hiện trên các tài liệu chữ viết và trong kho từ vựng của nhân dân.
      Ngày 15 tháng 9 năm 1904 Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định cấp một số lô đất tại Sầm Sơn để xây dựng các đài quan sát, trạm y tế và trung tâm nghỉ dưỡng, phục hồi sức khoẻ tại bãi biển và ven núi Trường Lệ.
        Năm 1906 người Pháp cho xây dựng tuyến đường bộ dài 16 km nối Tỉnh lỵ Thanh Hoá với Sầm Sơn. Đến năm 1907 các công trình xây dựng mới bắt đầu và những năm sau đó nhiều Vi la biệt thự được xây dựng trên núi Trường Lệ, đó là khu vực Sầm Sơn cao (Sầm sơn Lehaut), chủ yếu để các quan chức người Pháp, quan lại Triều Nguyễn và giới thượng lưu, quý tộc về thăm quan, tắm biển và nghỉ dưỡng. Ở khu vực Sầm Sơn thấp (Sầm sơn Lebas), cũng có những khách sạn, cửa hàng của các thương nhân người Việt dành cho khách nội địa. Về sau do chiến tranh tàn phá, số Vi La, Biệt thự trên núi không còn. Nhưng đây chính là thời điểm khởi đầu để du lịch Sầm sơn hình thành và phát triển.
          Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, vùng đất Sầm Sơn thuộc tổng Giặc Thượng (Tên nôm), sau đó đổi tên là Kính Thượng, rồi Cung thượng và được gọi là vùng Tam xã bát thôn (Ba xã, tám thôn); Bao gồm: Xã Lương Niệm có 4 thôn là: Sầm Thôn (Tên nôm là Làng núi), Lương Trung (Làng giữa), Cá Lập (Làng trấp), Hải Thôn (Làng hới); Xã Triều Thanh Lộc có 3 thôn: ThônTriều Dương (Tên nôm là Làng triều ), Thanh Khê (Làng vạn), Lộc Trung (Làng trung ); Xã Bình Tân (Còn gọi là Hải Lộc ) có một thôn là Bình Tân (Tên nôm gọi là Làng Bến ). Sau Cách mạng tháng tám , vùng đất Sầm Sơn được đặt tên mới là xã Lương Niệm, thuộc huyện Quảng Xương – Thanh Hoá. Từ tháng 6 năm 1946 đến tháng 11 năm 1947 Sầm Sơn được chia làm 2 xã: Sầm Sơn và Bắc Sơn. Tháng 11 năm 1947 sáp nhập 2 xã Sầm Sơn và Bắc Sơn thành xã Quảng Tiến, thuộc huyện Quảng Xương. Tháng 6 năm 1954 xã Quảng Tiến được chia thành 4 xã đó là: Quảng Tiến, Quảng cư, Quảng Tường và Quảng Sơn. Ngày 19 tháng 4 năm 1963 Chính phủ ra Quyết định số 50/CP thành lập Thị trấn Sầm Sơn bao gồm: Khu nghỉ mát Sầm Sơn và xã Quảng Sơn, trực thuộc uỷ ban hành chính Tỉnh Thanh Hoá .
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và chống Mỹ ,Đảng bộ và nhân dân Thị trấn Sầm Sơn cùng các Đảng bộ và nhân dân khu vực Sầm Sơn đã anh dũng kiên cường, bám biển, bám làng vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương. Những năm tháng đó, quân và dân khu vực Sầm Sơn đã trực tiếp tham gia chiến đấu hàng trăm trận, cùng bộ đội chủlực đánh bại nhiều  trận càn của địch, tiêu diệt và bắt sống 280 binh lính Pháp, phá huỷ và thu nhiều phương tiện chiến tranh khác. Đặc biệt vào đêm 23 tháng 9 năm 1950, 7 du kích làng Lương Trung (Thuộc xã QuảngTường nay là Phường Trung Sơn) đã phối hợp công an Thanh Hoá và tổ Điệp báo A13 đánh chìm Thông báo hạm AMIODANHVIN của giặc pháp. Người nữ tình báo Anh hùng Nguyễn Thị Lợi đã dũng cảm hy sinh, chị hoá thân thành lửa thiêu đốt tàu chiến giặc cùng 212 lính Pháp, 3 tên việt gian và nhiều quân trang quân dụng…
            Trong hai cuộc kháng chiến, ngoài việc tiếp tế hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho các chiến trường, hàng ngàn con em các thế hệ thanh niên Sầm Sơn đã lên đường ra mặt trận chiến đấu bảo vệ tổ quốc. 544 người đã anh dũng hy sinh, hàng trăm người đã để lại mọt phần máu thịt của mình trên các mặt trận… Toàn Thị xã có 9 bà mẹ Việt nam Anh hùng, 1 liệt sỹ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1 Anh hùng lao động, hàng ngàn người đã được Đảng nhà nước tặng thưởng huân, huy chương cao quý. Do có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc, Đảng bộ và nhân dân Thị xã Sầm Sơn cùng các xã Quảng Tường (Nay là phường Trung sơn ); Xã Quảng Tiến (Nay là phường Quảng Tiến ); Công an Thị xã Sầm Sơn và Đồn biên phòng 122 đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Với vị trí chiến lược về An ninh Quốc phòng, thuận tiện về giao thông cả đường biển, đường sông và đường bộ. Từ 15 tháng 10 năm 1954 đến ngày 1 tháng 5 năm 1955 Sầm Sơn vinh dự được chọn là nơi đón tiếp hàng chục ngàn cán bộ, chiến sỹ, học sinh là con em đồng bào Miền Nam ra Bắc tập kết. Cũng trong giai đoạn này, Sầm Sơn vinh dự được hai lần đón tiếp Bác Hồ kính yêu vào các năm 1960 – 1961, vẫn còn đó hình ảnh của Người cùng kéo lưới với ngư dân xóm Vinh sơn (Thuộc phường Trường sơn bây giờ). Bác còn căn dặn “…Sầm Sơn phải tận dụng lợi thế của mình để phát triển du lịch mà thu lấy tiền”, lời dặn của Bác được Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn khắc cốt ghi xương, nỗ lực cố gắng và đến nay Sầm Sơn có thể tự hào khẳng định đã thực hiện trọn vẹn lời căn dặn của Bác kính yêu…
            Ngày 18 tháng 12 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 157 – QĐ/HĐBT thành lập Thị xã du lịch nghỉ mát Sầm Sơn bao gồm: Thị trấn Sầm Sơn và 3 xã Quảng Tiến, Quảng Cư, Quảng Tường và xóm Vinh Sơn thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương. Theo đó Thị trấn Sầm Sơn cũ được tách ra làm 2 phường nội thị: Phường Trường Sơn và Phường Bắc Sơn. Thị xã Sầm Sơn gồm 5 đơn vị hành chính.
Ngày 2 tháng 3 năm 1982 Tỉnh uỷ Thanh Hoá ra Quyết định số 194 – QĐ/TU đổi tên Đảng bộ Thị trấn Sầm Sơn thành Đảng bộ Thị xã Sầm Sơn, trực thuộc Tỉnh uỷ Thanh Hoá. Cùng với việc xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng bộ Thị xã, các tổ chức chính trị: Mặt trận tổ quốc, Công đoàn, Phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cũng được củng cố, kiện toàn, tăng cường cán bộ để thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cấp thị xã. Vui mừng phấn khởi trước sự kiện có ý nghĩa lịch sử này, Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn tích cực thi đua xây dựng Thị xã Sầm Sơn nhanh chóng trở thành đô thị Du lịch Biển Văn minh – Giàu đẹp .  
So với chiều dài lịch sử, 30 năm Sầm Sơn xây dựng, phát triển và trưởng thành cũng chỉ là thời gian ngắn ngủi, song Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn có quyền tự hào đã phát huy mạnh mẽ truyền thống Anh hùng của mảnh đất có bề dày lịch sử và văn hoá, dũng cảm kiên cường trong đấu tranh, cần cù sáng tạo trong lao động, sản xuất và xây dựng, đoàn kết thống nhất vượt qua bao khó khăn trở ngại, khai thác tiềm năng lợi thế, xây dựng thị xã ngày một Văn minh – Hiện đại và phát triển bền vững.
Ở giai đoạn đầu, thời kỳ từ năm 1981 đến 1989, kinh tế Sầm Sơn chịu ảnh hưởng của cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, nghề cá và tiểu thủ công nghiệp được coi là 2 ngành kinh tế mũi nhọn của Thị xã; hoạt động du lịch chỉ mới là những bước manh nha ban đầu, chủ yếu là nghỉ dưỡng, các ngành công – nông – lâm nghiệp và giao thông xây dựng còn manh mún, lạc hậu, cơ sở vật chất hạ tầng, các công trình phúc lợi chưa có gì đáng kể. Dù được đánh giá là một địa phương năng động, song tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cũng chỉ đạt 6%/năm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, các hoạt động văn hoá xã hội chưa được đầu tư phát triển.
Đầu năm 1989, với chủ trương phát triển du lịch theo tiêu chí “Sầm Sơn – sức khoẻ – kinh tế – bạn bè” của Tỉnh ủy – HĐND và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tạo bước ngoặt lớn cho nền kinh tế Sầm Sơn. Theo đó, cơ cấu kinh tế được xác định lại, và du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trọng yếu của Thị xã. Sầm Sơn bước vào thời kỳ mới với tốc độ phát triển vượt bậc về mọi mặt.
Nhà nghỉ Bộ Tư lệnh Lăng Hồ Chủ Tịch           
           Thời kỳ 1991 – 1995, công cuộc đổi mới của đất nước đã thu được những thành tựu quan trọng, cơ chế thị trường định hướng XHCN đã đi vào cuộc sống. Đảng bộ Thị xã Sầm Sơn tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XI, tiếp tục khẳng định tính đúng đắn về phát triển các ngành kinh tế có thế mạnh như: Du lịch, dịch vụ, khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thị xã. Trong 5 năm 1991- 1995, tổng sản phẩm xã hội tăng bình quân 9,3%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh du lịch , dịch vụ và chiếm tỷ lệ cao trong tổng sản phẩm xã hội, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Các hoạt động văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện để nhân dân yên tâm sản xuất, kinh doanh và xây dựng cuộc sống.
Thời kỳ 1996 – 2000, Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn thực hiện nghị Quyết đại hội Đảng bộ Thị xã lần thứ XII trong tình hình đất nước có nhiều chuyển biến, đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện sau 10 năm đổi mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,8%/ năm. Năm 2000, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với  năm 1990; du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng 46,3% GDP. Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm vượt trên 10% so với chỉ tiêu pháp lệnh. Công tác giáo dục phát triển toàn diện cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học...Năm 1994, Thị xã đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục Tiểu học và xoá mù, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Đi đôi với việc phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, các hoạt động văn hoá văn nghệ, TDTT đã có những chuyển biến tiến bộ, khai thác và phát huy được yếu tố truyền thống về văn hoá quê hương, góp phần giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 15% thôn và khu phố, 16 cơ quan đã tổ chức khai trương xây dựng đơn vị có nếp sống văn hoá; 25% dân số tham gia tập luyện TDTT...thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân tiếp tục được giữ vững, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
             Bước vào thiên niên kỷ mới – Thế kỷ XXI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thị xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2001 – 2005 xác định giai đoạn này còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới đất nước, quê hương là thuận lợi cơ bản. Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đoàn kết, nhất trí, phấn đấu đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Ở giai đoạn này, kinh tế thị xã có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 11,9/năm, tăng 2,1 lần so với giai đoạn 1996 – 2000. Năm 2005 tổng sản phẩm xã hội của thị xã đạt 546 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 600 USD/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2000. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng và du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng 62,6% GDP.
Các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ thị đến cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế khác phát triển, đổi mới quan hệ sản xuất; nhiều doanh nghiệp và HTX kiểu mới được thành lập, nhiều đơn vị làm ăn phát đạt. Công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển toàn diện của Thị xã, đã công bố quy hoạch chi tiết Phường Trung Sơn, khu du lịch sinh thái Quảng Cư, khu du lịch văn hoá núi Trường Lệ, xúc tiến xây dựng nhiều khu dân cư mới ...
Tốc độ đô thị hoá nhanh, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường, hệ thống đường giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông và các công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, 100% các trường học, bệnh viện, trạm y tế được xây dựng kiên cố  và cao tầng, 70% các thôn – khu phố có nhà văn hoá...Các diện tích rừng, các khuôn viên, cây xanh đường phố, cây phân tán được trồng mới, bảo vệ tốt hơn. Vệ sinh công cộng được bảo đảm; môi trường Thị xã ngày một xanh – sạch - đẹp.Cùng với quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, các cấp uỷ Đảng – Chính quyền đã chỉ đạo có hiệu quả Nghị quyết TW 8 khoá IX “Về chiến lược bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới” , thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày một vững mạnh, an ninh chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo... và trật tự an ninh toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm. Hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, công tác quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền được nâng lên. MTTQ và các đoàn thể đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hướng về cơ sở để xây dựng phong trào, tạo sự đồng thuận và phát huy được quyền làm chủ trong các tầng lớp nhân dân.Năm 2006, năm đầu tiên thực hiện NQ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, NQ Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI, NQ Đại hội Đảng bộ Thị xã Sầm Sơn lần thứ XIV –Năm kỷ niệm 25 năm thành lập thị xã - Năm khởi đầu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2006 – 2010. Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu giành được những thành tích đáng kể trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày một trong sạch, vững mạnh, sự nỗ lực cố gắng và những thành tựu đạt được qua 25 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ và nhân dân thị xã Sầm Sơn đã tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triẻn bền vững của một đô thị Du lịch Biển. Bước vào giai đoạn 2006 – 2010 này, được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVI xác định phát triển du lịch là một trong năm chương trình trọng tâm phát triển Kinh tế - Xã hội trên cơ sở lấy Sầm Sơn làm trọng tâm du lịch của cả Tỉnh; Được Tỉnh ủy – HĐND và UBND Tỉnh cùng các Bộ, Ngành Trung ương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng với tổng mức đầu tư riêng năm 2007 bằng mười năm cộng lại. Đặc biệt, Lễ hội 100 năm Du lịch Sầm Sơn tổ chức thành công rực rỡ, hoành tráng,  bằng hàng loạt hoạt động văn hoá - thể thao – thương mại phong phú và đa dạng, tạo ấn tượng tốt đẹp sâu sắc trong lòng dân và du khách, tạo bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử, tạo nên bước đột phá quan trọng với dáng vóc và tầm cao mới để du lịch Sầm Sơn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.
Trên nền tảng ấy, những năm 2006 - 2010, Đảng bộ và nhân dân thị xã Sầm Sơn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV trong bối cảnh tình hình chính trị xã hội ổn định, đoàn kết trong đảng, trong nhân dân được củng cố, nhiều cơ chế chính sách mới của Trung ương, của Tỉnh được ban hành, đã và đang phát huy tác dụng, là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới trên địa bàn thị xã. Dưới sự lãnh đao của Ban chấp hành Đảng bộ thị xã khoá XIV, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể Chính trị – Xã hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, động viên được sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân nỗ lực phấn đấu, đạt những thành tích, kết quả toàn diện trên các lĩnh vực Kinh tế - Chính trị – Xã hội; Quốc phòng – An ninh và công tác xây dựng Đảng.
Đến hết năm 2010, kinh tế Sầm Sơn tiếp tục tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhiều chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch so với mục tiêu Đại hội XIV đề ra; Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15,2%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 20,5 triệu đồng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.Với vị trí trọng tâm, đóng vai trò thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, ngành kinh tế du lịch được các cấp uỷ Đảng, Chính quyền tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khơi dậy và phát triển tốt các giá trị văn hoá, lịch sử, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đạt mức tăng trưởng bình quân 18,2%/năm. Năm 2010 tổng trị giá dịch vụ đạt 650 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 71,3% tổng sản phẩm xã hội của Thị xã, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lớn người lao động. Các lĩnh vực kinh tế Nông - Lâm – Ngư nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp giữ được tốc độ tăng trưởng khá, hỗ trợ du lịch phát triển và góp phần nâng cao đời sống nhân dân. 
Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị được các cấp uỷ Đảng và chính quyền quan tâm chỉ đạo tích cực, quy hoạch mở rộng không gian đô thị đã cơ bản hoàn thành, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đã được triển khai; xã Quảng Tiến một trong những địa bàn chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội của Thị xã đã được nâng cấp thành Phường Quảng Tiến. Các dự án phát triển kinh tế hạ tầng đã và đang được xúc tiến tích cực; Công tác quản lý tài nguyên và môi trường đạt nhiều chuyển biến mới, môi trường đã xanh – sạch - đẹp...Từng bước làm thay đổi diện mạo đô thị Sầm Sơn, tạo thế và lực cho Thị xã trên con đường hội nhập và phát triển.
             Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đạt những bước phát triển khá toàn diện, chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên rõ rệt, số học sinh thi đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng hàng năm đạt bình quân 25%, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010 có 01 học sinh lọt vào vòng chung kết và đạt giải ba cuộc chinh  phục đường lên đỉnh OLYMPIA . Số trường đạt chuẩn Quốc gia từ 5 trường năm 2005 lên 9 trường năm 2010. Hoạt động khoa học công nghệ có chuyển biến tích cực trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, nâng cao chất lượng sảm phẩm hàng hoá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Cầu truyền hình  OLYMPIA tại trường THPT Sầm Sơn
               Sự nghiệp Văn hoá - Thông tin – Truyền thanh – Thể dục thể thao có tiến bộ trên một số mặt, từng bước nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân và đáp ứng nhu cầu du khách. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” luôn được gắn kết với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách hiệu quả thiết thực. Đến nay toàn thị xã có trên 60% làng thôn - khu phố – cơ quan – trường học đạt danh hiệu đơn vị văn hoá cấp Tỉnh và cấp Thị, trên 70% gia đình văn hoá, 47% gia đình thể thao, 46/49 thôn – khu phố có nhà văn hoá. Hệ thống di tích danh lam thắng cảnh thường xuyên được quan tâm trùng tu, tôn tạo, các giá trị lịch sử văn hoá được khai thác phát huy qua các lễ hội truyền thống.
            Sự nghiệp Y tế – Dân số và công tác gia đình ngày càng được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. 5/5 xã phường đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt kết quả khá, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên, tinh thần phục vụ nhân dân có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống còn 1% vào năm 2010, công tác gia đình được quan tâm theo hướng xây dựng gia đình “ ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc
Bệnh viện Đa khoa Sầm Sơn
góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh; các chính sách xã hội được thực hiện hiệu quả, đảm   bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên cả về vật chất và tinh thần, thôn – xóm – phố ngày càng bình yên, hoà thuận.
Công tác Quốc phòng – An ninh những năm qua được các cấp uỷ Đảng, Chính quyền quan tâm nhiều hơn. Nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Chính quyền điều hành, cơ quan Quân sự – Công an làm tham mưu được thực hiện triệt để, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu. Động viên được sức mạnh của quần chúng vào việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân và chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ổn định trật tự trị an, quốc phòng – an ninh vững chắc.
Song song với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Thị xã Sầm Sơn lần thứ XIV, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được các cấp uỷ Đảng quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ từ cơ sở. Thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng trong Đảng, trong nhân dân để có định hướng chỉ đạo kịp thời, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức và hành động, tạo sự chuyển biến tích cực về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ, Đảng viên, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp xây dựng CNXH được tăng cường, củng cố.
Hàng năm, Đảng bộ Thị xã Sầm Sơn đã tập trung chăm lo xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, chất lượng sinh hoạt Đảng, chất lượng các tổ chức cơ sở Đảng và chi bộ ngày càng được nâng cao. Bình quân hàng năm có 72,5% tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, 79% Đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ; công tác phát triển Đảng viên mới được các cấp uỷ chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Công tác quy hoạch cán bộ từ thị đến cơ sở được thực hiện đúng quy trình, việc luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ đã phát huy được tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ chủ chốt, tạo thuận lợi để cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Các mặt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật Đảng, công tác dân vận của Đảng được các cấp uỷ Đảng thực hiện chủ động, khoa học và sâu sát hơn. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã phối hợp đồng bộ với các cấp chính quyền, tạo sự phong phú đa dạng các hình thức tập hợp quần chúng, quyền làm chủ của nhân dân được tôn trọng, phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố vững chắc.
Trên chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, được Tỉnh ủy – HĐND – UBND Tỉnh và các Bộ, Ngành Trung ương quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi; Đảng bộ và nhân dân Thị xã Sầm Sơn luôn phát huy truyền thống anh hùng, phát huy những giá trị lịch sử – văn hoá truyền thống lâu đời, với tinh thần cách mạng, đoàn kết, thống nhất, nêu cao tính tự lực tự cường, khai thác tiềm năng thế mạnh tạo nên một vóc dáng mới, một diện mạo mới của Đô thị Du lịch Biển Sầm Sơn.
Bước vào giai đoạn 2010 – 2015, Sầm Sơn đang đứng trước những thời cơ, nhiều thuận lợi, Nghị quyết đại hội Đảng bộ Tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII xác định tiếp tục duy trì chương trình phát triển kinh tế Du lịch song song những chương trình trọng tâm khác trong chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội, phát triển nguồn nhân lực đến năm 2015– 2020. Các dự án lớn trên địa bàn Tỉnh như Sân bay dân dụng, Khu kinh tế tổng hợp Nghi Sơn, Tuyến đường ven biển Nga Sơn – Tĩnh gia, Đường vành đai Thành phố Thanh Hóa. Đường quốc lộ 47, Đại lộ Nam Sông Mã, Đường Nam Sầm Sơn - Hải Hòa.... Tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện; Nhất là chương trình mở rộng không gian Đô thị Sầm Sơn, để Sầm Sơn trở thành đô thị loại III trước năm 2015; cùng những chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong nước và Tỉnh nhà, những thành tựu đạt được trong chặng đường 30 năm xây dựng – phát triển, sẽ tạo thế và lực mới để thị xã thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, đảm bảo Quốc phòng An ninh những năm tiếp theo.
              Trong hành trình mới, Đại hội Đảng bộ Thị xã Sầm Sơn lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã xác định: “Phát huy có hiêụ quả tiềm năng thế mạnh đô thị du lịch biển; tăng cường nội lực và thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, chú trọng phát triển 2 ngành kinh tế có thế mạnh là: dịch vụ du lịch và nghề cá. Tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh; đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đảm bảo kỷ cương, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chung sức xây dựng đô thị du lịch biển Giàu đẹp – Văn minh – Hiện đại”
Trên bước đường đi tới còn nhiều cam go, trở ngại, nhưng phía trước Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn là thời cơ vàng, là thiên thời - địa lợi – nhân hoà, bằng sự cố gắng nỗ lực, nhất định Thị xã Sầm Sơn sẽ thành công trong xây dựng và phát triển Thị xã Quê hương, xứng đáng là một trung tâm du lịch của cả tỉnh, cả nước với tên gọi vốn có : Sầm Sơn !

 

    °