Bức tranh tăng trưởng nhiều gam màu sáng

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khách quan lẫn chủ quan, đặc biệt là tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19; song, TP Sầm Sơn đã nỗ lực giữ được đà tăng trưởng với nhiều mục tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

        Xác định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” sẽ là cơ sở để giữ đà tăng trưởng kinh tế - xã hội, trong năm 2021, TP Sầm Sơn đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh COVID-19. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát tốt, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước tăng 18% so với cùng kỳ (ngành dịch vụ đạt 22,6%, ngành nông, lâm, thủy sản đạt 8,1%, ngành công nghiệp - xây dựng đạt 116%). Trong đó, công nghiệp - xây dựng đạt mức tăng trưởng cao, trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của thành phố. Cụ thể, giá trị sản xuất (tính theo giá hiện hành) ước đạt 9.270 tỷ đồng, đạt 134,4% kế hoạch, tăng 56,6% so với cùng kỳ (công nghiệp đạt 855 tỷ đồng, bằng 101,2% so với kế hoạch, tăng 23,9% so với cùng kỳ; xây dựng đạt 8.415 tỷ đồng, bằng 139,1% so với kế hoạch, tăng 60,9% so với cùng kỳ).

        Sản lượng nông, lâm, thủy sản vượt kế hoạch nhưng giá trị sản xuất giảm so với cùng kỳ và kế hoạch. Cụ thể, giá trị sản xuất ước đạt 1.082 tỷ đồng, đạt 88,8% kế hoạch, giảm 9,3% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 8.742,9 tấn, đạt 126,4% kế hoạch, bằng 92,5% so với cùng kỳ; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 100 triệu đồng, đạt kế hoạch đề ra; hoàn thành 100% kế hoạch tích tụ đất đai tập trung. Hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản cơ bản ổn định, tổng sản lượng ước đạt 26.853 tấn, bằng 101% so với kế hoạch, giảm 10% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 26.720 tấn, đạt 101% so với kế hoạch, giảm 9% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng ước đạt 133 tấn, đạt 52% so với kế hoạch, giảm 47% so với cùng kỳ. Ngoài ra, việc phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 cũng được thành phố quan tâm, theo đó, địa phương đã đề nghị tỉnh công nhận nước mắm cá trích Bông Sen Sầm Sơn là sản phẩm OCOP.

        Do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, hoạt động du lịch của thành phố không đạt kế hoạch; song hoạt động thương mại vẫn tăng trưởng, giá cả các mặt hàng cơ bản ổn định. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 5.348 tỷ đồng, đạt 72,5% kế hoạch, giảm 13,2% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.520 tỷ đồng, bằng 112,9% kế hoạch, tăng 31,1% so với cùng kỳ. Dịch vụ vận tải tăng trưởng ổn định, với doanh thu ước đạt 357 tỷ đồng, tăng 19,4% kế hoạch, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường được thành phố tập trung triển khai và thực hiện tốt nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả, các lực lượng chức năng đã kiểm 50 vụ (giảm 46 vụ so với cùng kỳ), xử lý 37 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 57,15 triệu đồng.

Quần thể nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn - điểm đến 4 mùa của khách du lịch.

        Xác định cải cách hành chính vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ, năm 2021, TP Sầm Sơn tiếp tục chú trọng công tác giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Kết quả giải quyết hồ sơ trực tuyến tại bộ phận một cửa thành phố ở mức độ 3 đạt 99,5%, mức độ 4 đạt 98,1%; tại các phường, xã mức độ 3 đạt 84%, mức độ 4 đạt 75% (vượt chỉ tiêu tỉnh giao). Bộ phận một cửa thành phố tiếp nhận 15.933 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 13.909 hồ sơ, đạt 95,4%, quá hạn 664 hồ sơ, chiếm 4,6%, chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai. Cùng trong năm thành phố đã thành lập mới được 135 doanh nghiệp, đạt 100% kế hoạch, vượt chỉ tiêu tỉnh giao (135/130); đồng thời, cấp 1.334 giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, trong đó cấp mới là 1.100 hộ, cấp lại là 234 hộ.

        Với vai trò là đầu tàu du lịch của tỉnh, TP Sầm Sơn hiện là một “đại công trình”, với nhiều dự án kinh doanh du lịch trọng điểm đang được gấp rút triển khai thực hiện. Để tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư triển khai dự án, thành phố đặc biệt chú trọng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Theo đó, chính quyền thành phố đã chỉ đạo kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình GPMB, nhất là các dự án trọng điểm, như: Quảng trường biển trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn và các dự án đối ứng; khu đô thị sinh thái biển Đông Á; khu biệt thự Hùng Sơn; đường ven biển...

        “Trong bối cảnh công tác GPMB trên địa bàn toàn tỉnh chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thì công tác GPMB của TP Sầm Sơn vẫn chuyển biến rất tích cực và là một trong những đơn vị dẫn đầu của tỉnh về kết quả GPMB. Theo Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 19-1-2021 của UBND tỉnh, thành phố có 24 dự án phải bồi thường GPMB, với tổng diện tích 187,98 ha. Tính đến ngày 30-11-2021, thành phố đã tổ chức đo đạc kiểm đếm 216,12 ha (tương đương 115%); lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB 213,3 ha (tương đương 113%); chi trả tiền bồi thường 171,8 ha (đạt 91%); tổ chức xét tái định cư cho 988 hộ gia đình, cá nhân/1.986 lô đất ở tái định cư; tổ chức phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền bồi thường GPMB, thu tiền sử dụng đất ở tái định cư cho 32 dự án và phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí xây dựng giá đất cho 52 dự án.

        Là đô thị có tốc độ tăng trưởng nhanh, do vậy công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý quy hoạch, xây dựng cũng luôn được thành phố quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2021, thành phố đã phê duyệt 21 đồ án quy hoạch, 16 nhiệm vụ lập quy hoạch; hoàn thiện, trình Sở Xây dựng thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 phân khu E, D, G; thẩm định, phê duyệt 232 hồ sơ dự án về đầu tư xây dựng; cấp 950 giấy phép xây dựng... Bên cạnh đó, công tác quản lý tài nguyên, đất đai cũng được tăng cường. Trong đó thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; rà soát việc bố trí tái định cư cho các hộ dân thực hiện GPMB; tổ chức triển khai đấu giá quyền sử dụng đất tại các mặt bằng quy hoạch đấu giá theo quy định. Kết quả, đã tổ chức đấu giá thành công 6 dự án với tổng số tiền 375 tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất cho 3 dự án, gồm khu dân cư phía Đông Trung tâm hành chính (phường Quảng Châu); khu dân cư đô thị và trung tâm thương mại Sầm Sơn; khu dân cư phía Tây đường Lý Tự Trọng (phường Bắc Sơn). Hiện thành phố đang chuẩn bị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất dự án khu dân cư phía Tây đường Lý Tự Trọng, với số tiền sử dụng đất tối thiểu thu được là 473,174 tỷ đồng. Ngoài ra, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố đã cấp 6.479 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đang xem xét giải quyết là 214 hồ sơ...

        Có thể khẳng định, dù còn gặp nhiều khó khăn, bất lợi, song với việc kiểm soát tốt dịch bệnh và sự khởi sắc về kinh tế - xã hội sẽ là tiền đề quan trọng để Sầm Sơn tiếp tục nối đà tăng trưởng và đạt được nhiều thành quả trong năm 2022.

Kim Ngân - Báo Thanh Hóa