Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Sáng 10-1, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 27 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng.
Đồng chí Bùi Quốc Đạt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành Ủy, Phó chủ tịch UBND thành phố, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố chủ trì điểm cầu trực tuyến tại thành phố Sầm Sơn.
Chủ trì tại điểm cầu thành phố Sầm Sơn có đồng chí Bùi Quốc Đạt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành Ủy, Phó chủ tịch UBND thành phố, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố; cùng các thành viên trong Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, cùng với công tác tuyên truyền, hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu CĐS được quan tâm đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã. Việc xây dựng dữ liệu số, chính quyền số, kinh tế số, nền tảng số, nhân lực số, xã hội số, đảm bảo an toàn an ninh mạng cũng được các ngành, các địa phương tập trung thực hiện và đạt được một số kết quả. Trong đó về dữ liệu số, đã hoàn thành Cổng dữ liệu mở của tỉnh để các cơ quan, đơn vị kết nối, chia sẻ các dữ liệu dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp. Về chính quyền số, 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật) được thực hiện trên môi trường mạng. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống trong năm 2022 là 3.436.164 lượt văn bản; tỷ lệ văn bản ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ văn bản ký số cơ quan đạt 99,07%.
Đối với kinh tế số, 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai sử dụng và thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế; toàn tỉnh có 22.673 doanh nghiệp được tiếp cận, tham gia chương trình CĐS theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; 100% các doanh nghiệp, tổ chức đã sử dụng hóa đơn điện tử với trên 1,4 triệu hóa đơn điện tử…
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: Công tác CĐS trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đạt yêu cầu; cơ sở dữ liệu của các ngành còn thiếu và chưa đồng bộ; một số nền tảng số chưa hoàn thiện nên việc triển khai còn khó khăn và chưa đem lại hiệu quả trong thực tế. Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập, tuy nhiên việc phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng chưa cao...
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá thêm những thuận lợi, khó khăn trong quá trình CĐS; làm rõ những vấn đề liên quan đến việc phát huy tiềm năng và sức mạnh thúc đẩy CĐS trong các ngành, lĩnh vực; việc CĐS ở cấp xã; công tác xây dựng chính quyền số… Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp và thể hiện quyết tâm nâng cao hiệu quả CĐS trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Mai Xuân Liêm đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu CĐS.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đề nghị các ngành, các địa phương tiếp tục nghiên cứu, rà soát góp ý để sớm ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa năm 2023; đồng thời tập trung các nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình CĐS của tỉnh đã được ban hành.
Từ những tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ, đồng chí yêu cầu các ngành, địa phương phải vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tập trung đẩy mạnh CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực; yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác tập huấn, học hỏi kinh nghiệm các địa phương khác để tích lũy kinh nghiệm triển khai có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp chức năng làm tốt công tác đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm an toàn, phục vụ tốt nhiệm vụ CĐS tại các địa phương, đặc biệt là những địa phương “vùng lõm”. Yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị nêu cao tinh thần, quyết tâm chính trị và nêu cao vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị; xem kết quả thực hiện CĐS là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ngành, của địa phương.
Nam Trang