Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai thành phố Sầm Sơn.

Sáng ngày 12/7, Đoàn kiểm tra phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra kết quả chuẩn bị công tác phòng chống thiên tai năm 2024 tại thành phố Sầm Sơn

Toàn cảnh buổi làm việc Đoàn kiểm tra phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa tại thành phố Sầm Sơn.

        Năm 2024, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1409/QĐ – UBND về việc kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Sầm Sơn. 11/11 xã, phường đã kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự cấp xã theo quy định; đồng thời kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn với tổng số hơn 3.400 người.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại buổi làm việc.

        Xây dựng các phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai, ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ rủi ro thiên tai, phương án sơ tán dân khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, khu  vực xung yếu… Công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị đầy đủ, đạt chỉ tiêu được giao. Công tác hậu như: lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo đủ cứu trợ trong thời gian 5 ngày ăn tươi, 7 ngày ăn khô.

Đồng chí Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phát biểu kết luận.

        Sau khi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của Ban chỉ  huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Sầm Sơn và ý kiến các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Sầm Sơn quan tâm thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cụ thể, chi tiết để thực hiện; thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình tại các xã, phường; kiểm soát toàn bộ công trình thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ để xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện; chuẩn bị các vật tư để đúng vị trí quy định, đồng thời bố trí lực lượng trực phòng chống thiên tai, đảm bảo sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra.  

        Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng chống thiên tai trong cả hệ thống chính trị, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão.

Phương Xoan