Đền Tô Hiến Thành

Nằm trong hệ thống khu di tích, danh thắng núi Trường Lệ, đền thờ Tô Hiến Thành, một đại thần triều Lý (thế kỷ XII) nổi tiếng thanh liêm chính trực, từng cầm quân vào dẹp loạn ở vùng ven biển Thanh Hóa. Ngôi đền được Bộ Văn hóa công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1962. Năm 1990 Bộ trưởng Văn hóa Thông tin đã ký Quyết định công nhận đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành là di tích lịch sử Văn hóa nằm trong quần thể di tích danh thắng cấp quốc gia. Ngày 31/12/2019, đền Tô Hiến Thành nằm trong quần thể di tích, danh lam thắng cảnh Sầm Sơn được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1954/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt .

Đền thờ Tô Hiến Thành nằm trong hệ thống di tích danh thắng Núi Trường Lệ, thành phố Sầm Sơn

          Đền Tô Hiến Thành nằm khá khiêm tốn trên sườn núi phía Đông Bắc dãy Trường Lệ, đền thuộc tổ dân phố Sơn Hải, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn. Nhân dân địa phương thường gọi là đền Đệ Nhị hay đền Trung (Đền Độc Cước gọi là đền Thượng, đền Hoàng Minh Tự gọi Đệ Tam và đền Tô Hiến Thành gọi Đệ Nhị). Khi đến dâng hương hay tham quan, vãn cảnh tại đền, điều đầu tiên chúng ta cảm nhận được là cảm giác yên bình, mát mẻ bởi tán che của các cây đại thụ hàng trăm tuổi.

Cổng chính Đền Tô Hiến Thành, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn

         Tương truyền, ngôi đền được xây dựng vào thời Lý. Khi vua Lý Thánh Tông cử ông cầm quân dẹp loạn ở vùng biển Thanh Hóa, nhờ thế mà nhân dân mới được yên ổn làm ăn. Để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân đã xây dựng đền thờ. Ngôi đền khá nhỏ so với thân thế sự nghiệp của thái úy Tô Hiến Thành. Kiến trúc ngôi đền được xây dựng theo hình chữ đinh (J) hay còn gọi là kiến trúc chuôi vồ. Gồm ba gian tiền đường, trung đường và hậu cung. Tiền đường là khu nhà gồm ba gian rộng rãi thờ cộng đồng các quan, nơi tổ chức các thể chế tế lễ vào ngày lễ hội, ngày húy nhật của ngài. Trung đường gồm một gian, nơi đặt khám và tượng Ngài. Hậu cung là nơi đặt khám thánh vị và sắc phong. Hai cung Trung đường và Hậu cung được xây dựng theo lối cuốn vòm tạo một không gian thu nhỏ, ánh sáng mờ ảo cùng những kẻ gió hút mát lạnh gây không khí và không gian thiêng liêng.

Ban thờ Hội đồng Thánh quan

          Ngôi đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 1990, nhân dân phường Trường Sơn tu bổ lại. Năm 2010 Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất chủ trương cho UBND thành phố Sầm Sơn làm chủ đầu tư tu bổ lại ngôi đền. Hiện nay, trong đền còn giữ một số hiện vật quý như bộ Kiệu sơn son thiếp vàng.

        Theo sách “Các vị thần thờ ở xứ Thanh” (Thanh hóa Chư thần lục) có ghi về thần tích Tô Hiến Thành như sau: “Thần họ Tô, tự Tô Hiến Thành, từ thủa thiếu thời đã nổi tiếng là người văn võ toàn tài, đức trí kim ưu. Đời Lý Anh Tông (1138 -1175) được bổ chức Thái Phó dự coi việc quân.

        Năm Đại Định Thứ 2 (1142) Thân Lợi nổi loạn tiến xưng là Nam Bình Vương bị Đỗ Anh Vũ đánh bại chạy lên Lạng Châu (Lạng Sơn), Tô Hiến Thành truy đuổi bắt được đóng cũi đem về kinh sư trị tội.

       Đến Đại Định Thứ 20 (1161) Ngưu Hống và Ai Lao làm phản, ông đem quân đánh dẹp, bắt được nhiều người, ngựa, voi, vàng bạc châu báu. Do lập được công lớn ông được phong chức Thái úy.

        Năm Đại Định Thứ 21 (1162) lãnh chức Đô tướng đem 2 vạn quân đi tuần tiễn các xứ miền Tây Nam, ven biển để trấn áp giữ yên vùng lãnh hải, biên giới. Nhà vua thân hành đưa chân ông đến tận cửa biển Đại An.

       Năm thứ 5 niên hiệu Chính Long Bảo Ứng (1167) vua lập Long Cán lên làm Đông Cung thái tử. Cho Tô Hiến Thành làm nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình Chương quân quốc trọng sự, tước Vương phò tá Đông cung.

       

Ban thờ Đức Thánh Tô Hiến Thành

      Khi vua lâm bệnh, sai ông ẵm thái tử ra coi triều chính và để di chiếu sai ông phò tá Thái tử, mọi việc triều chính đều ủy cho ông giải quyết. Bà Thái hậu họ Lê muốn lập Thái tử Long Xưởng lên ngôi, đem vàng bạc đến đút lót phu nhân Lữ Thị, để nhờ bà nói giúp với chồng, Tô Hiến Thành bảo rằng: “Ta là bậc đại thần vâng mệnh vua ký thác giúp ấu chúa, như nay ăn của đút lót mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào nhìn Tiên đế dưới suối vàng”. Thái hậu lại vời ông vào cung dỗ dành mọi cách, nhưng ông nói: “làm việc bất nghĩa mà giầu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của tiên đế đang còn văng vẳng bên tai, há chẳng nghe nói việc làm của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao, Thần không dám vâng ý chỉ của Thái hậu”. Vua Lý Cao Tông lên ngôi, tôn ông làm Thái úy lãnh cấm binh. Từ đấy hiệu lệnh được nghiêm mật, việc thưởng phạt công minh, thiên hạ đều mến phục. Sinh thời Thái úy Tô Hiến Thành nổi tiếng thanh liêm, chính trực, văn võ song toàn, là biểu tượng cho lòng trung hiếu – thước đo giá trị của con người thời kỳ phong kiến. Ông luôn quan niệm: “Thờ vua hết trung, thờ cha hết hiếu, dựng kinh hầu kỷ, giúp nước hộ dân chớ làm loạn thần, tặc tử mọt nước, hại dân, bất trung, bất hiếu. Dẫu có trọn đời giầu sang nhưng tội để lại đời sau mãi mãi”.

Cảnh quan sân Đền yên bình, mát mẻ

Tương truyền, ngôi Đền đã có trên 800 năm và đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nguyên các giá trị  linh thiêng vốn có

       Đây là một trong những ngôi đền thiêng nổi tiếng trong vùng và lan toả đi nhiều nơi về sự linh nghiệm của sự thành tâm, thành kính trước anh linh người xưa về cầu tài, cầu lộc, cầu bình yên về sự đỗ đạt học hành, về sự ngay thật trong cuộc sống.

Cổng từ Đền Tô Hiến Thành lên núi Trường Lệ

        Để tỏ lòng tri ân vị khai quốc công thần thời Lý, có nhiều công lao đánh giặc Tống, bình Chiêm, bảo vệ đất nước, góp phần xây dựng triều chính nhà Lý vững mạnh; đồng thời để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tới các thế hệ hậu sinh về thân thế, cuộc đời, những cống hiến to lớn của Đức thánh Tô Hiến Thành. Hàng năm vào ngày sinh và ngày mất của đức thánh Tô Hiến Thành, nhân dân và chính quyền thành phố tổ chức thường niên trang trọng lễ dâng hương tưởng niệm.

BBT