Hòn Trống Mái

Hòn Trống Mái là di tích danh thắng nằm trong quần thể di tích, danh thắng núi Trường Lệ được Bộ Văn hóa công nhận là di tích, danh thắng cấp quốc gia vào năm 1960. Năm 1990 Bộ trưởng Văn hóa Thông tin đã ký Quyết định công nhận danh thắng hòn Trống Mái là danh thắng nằm trong quần thể di tích danh thắng cấp quốc gia. Ngày 31/12/2019, hòn Trống Mái nằm trong quần thể di tích, danh lam thắng cảnh Sầm Sơn được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

Hình ảnh hòn Trống Mái tượng trưng cho mối tình chung thủy, son sắc

          Trường Lệ là dãy núi dài, kiến tạo bằng đá hoa cương diệp thạch, dãy núi gồm 16 ngọn, ngọn cao nhất là 84,7m so với mực nước biển. Dãy núi mang dáng hình một người phụ nữ với những nét cong mềm mại đang nằm nhìn lên bầu trời cao xanh lồng lộng. Quá trình tạo sơn đã để lại nhiều hòn núi mang dáng hình của những con vật khá rõ nét như: Hòn Cổ Giải, hòn Đầu Voi, hòn Cóc, và đặc biệt là hòn Trống Mái - một trong những di tích kỳ thú bậc nhất trong quần thể danh thắng Sầm Sơn.

Hòn trống Mái chênh vênh trên đỉnh dãy núi Trường Lệ, tựa hình dáng một đôi chim đá khổng lồ đang thủ thỉ tâm tình

        Hòn trống Mái là tên gọi của hai hòn đá nổi chênh vênh trên đỉnh dãy núi Trường Lệ, tựa hình dáng một đôi chim đá khổng lồ đang thủ thỉ tâm tình. Điều kỳ diệu là cái thế chênh vênh ấy lại vững bền cùng tuế nguyệt, bất chấp dòng chảy của thời gian, trải qua bao độ phong sương mưa nắng vẫn sừng sững, lồng lộng giữa trời xanh. Bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, nhân dân đã thêu dệt nên bao huyền thoại lung linh, bi tráng lay động lòng người về hòn Trống Mái.

        Chuyện dân gian kể lại rằng: “ Ngọc Nữ trên thiên đình vì lỡ tay làm vỡ chiếc bình Tùng Hạc, bị Ngọc Hoàng đày xuống hạ giới làm con côi cho một gia đình ngư dân nghèo ở vùng Sầm Thôn. Khi hạ sinh nàng, mẹ nàng vì kiệt sức mà qua đời, cô gái sống cùng người cha, lớn lên trắng trẻo, tóc dài, duyên dáng như tiên nữ giáng trần. Trong làng lúc này, có chàng trai cùng trang lứa, lớn lên cùng cảnh ngộ nhà nghèo, lại mồ côi tên là chàng Ngư. Chàng Ngư được bố cô gái cưu mang, kèm cặp, cho đi biển cùng; họ sống cùng nhau, tình yêu đến với họ tự nhiên, nồng nàn, say đắm.

        Năm ấy, trận đại hồng thuỷ đã dìm sâu cả vùng Sầm Sơn vào biển nước, khi nước biển rút đi, chỉ còn lại cảnh hoang tàn, xơ xác. Chàng Ngư vốn có tài bơi lội giỏi nên bấu víu được vào ngọn cây, sống sót; cô gái cũng vớ được cái ống vọi của bố đi biển, trôi vào khe đá mà sống sót. Họ tìm thấy nhau trong niềm hạnh phúc dâng trào nhưng lại bị cơn đói dày dò. Họ cố gắng hướng về phía núi để tìm kiếm thức ăn. Nhưng sức tàn, lực kiệt, đôi trai gái đã gục chết ở phiến đá trên đỉnh núi.

        Hết hạn đầy ải, Ngọc Hoàng sai bầy tiên trên trời xuống tìm, đưa Ngọc Nữ về trời. Bầy chim trắng chao lượn, sà xuống đôi xác chàng trai, cô gái, phù phép biến họ thành đôi chim để bay về trời. Được sống lại hạnh phúc bên nhau, đôi chim sung sướng vô cùng. Họ nhảy nhót, bay lượn, ríu rít bên nhau suốt cả buổi sáng. Trời đã về chiều, nắng đã xiên khoai. Đến lúc đôi chim phải cùng đàn chim tiên bay về trời. Đôi chim đan cánh vào nhay, nhìn về đồng đất xóm làng, quê hương, nhìn cảnh núi non, biển cả bỗng thấy mến yêu, lưu luyến vô cùng. Luấn quấn mãi không thể dứt tình đi được. Vì nơi đây, họ đã sống trọn tuổi thơ. Nơi họ được sinh ra, lớn lên và yêu nhau... Họ đã thầm nuôi bao dự định, ước mơ xây dựng một tổ ấm, gia đình hạnh phúc ở trần gian. Đôi chim núi xin đàn chim tiên cho ở lại hạ giới. Đôi cánh họ trở nên nặng nề, khô cứng, không thể cử động được nữa. Đôi tình nhân ấy – Đôi chim tiên ấy – đã hoá đá rồi! Thành Hòn Trống Mái.

Cung đường dẫn lên khu vực Hòn Trống Mái

       Truyền thuyết hòn Trống Mái - đôi chim đá chứa đựng ý nghĩa nhân sinh to lớn. Nó là hun đúc ước mơ, khát vọng bao đời nay của nhân dân địa phương về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó là bài ca không bao giờ cũ về tình người và tình yêu quê hương xứ sở. Thứ tình cảm sâu nặng ấy, phàm là con người, ai chẳng sẵn mang trong tâm hồn, có lẽ bởi vậy mà từ xưa cho đến nay và mãi mãi đến sau, bao nhiêu người vẫn thảng thốt dư âm khi lặng ngắm vẻ kỳ thú, phong sương của danh thắng hòn Trống Mái - một điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch Sầm Sơn.

BBT