Chuyện thôn Thủ Phú, xã Quảng Đại tiên phong viết đơn tự nguyện thoát nghèo
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều hộ dân thôn Thủ Phú, xã Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Họ muốn nhường sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước cho những người khó khăn hơn và góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống…
Bà Nguyễn Thị Thoa và gia đình bà Viên Thị Ninh, thôn Thủ Phú cùng nhau lên UBND xã để xin thoát nghèo
Mặc dù đều trên 75 tuổi, nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Thoa và gia đình bà Viên Thị Ninh, thôn Thủ Phú đã rủ nhau cùng đi bộ lên xã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đối với 2 bà, việc làm đó là cần thiết, bởi những năm qua, gia đình đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và bà con lối xóm. Bà Thoa chia sẻ: Ngày trước, hai vợ chồng già chúng tôi sống nương tựa nhau, chồng tôi lại ốm đau triền miên nên gia cảnh rất khó khăn. Nay chồng thôi đã mất, bản thân tôi thấy mình còn khoẻ, con cái cũng sống ở gần nên có thể lui tới chăm sóc, đỡ đần mẹ. Vì vậy, tôi muốn nhường sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước cho những người khó khăn hơn mình.
Nhờ chăm chỉ làm ăn và sự hỗ trợ từ các chính sách giảm nghèo, gia đình chị Oanh đã có điều kiện kinh tế khá hơn và tự nguyện xin thoát nghèo
Còn với vợ chồng anh Phạm Văn Chờ (1987) và chị Nguyễn Thị Oanh là hộ nghèo của xã đã nhiều năm. Gia đình 6 miệng ăn, trong đó có ba con nhỏ, bản thân chị Oanh sức khoẻ yếu, thường xuyên ốm đau. Cả gia đình sống trong căn nhà xập xệ, kinh tế chủ yếu từ công việc đi đánh bắt hải sản của anh Chờ. Những năm qua gia đình anh Chờ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước như: Hỗ trợ tiền điện, miễn giảm học phí, cấp bảo hiểm y tế miễn phí, và hỗ trợ vay vốn để làm ăn.
Năm 2020, anh chị bán đi mảnh đất bố mẹ để lại, tìm mua lại căn nhà ở ngõ sâu hơn, nhưng kiên cố để ổn định cuộc sống. Từ lợi thế của địa phương và bản thân có nhiều năm làm nghề “đi biển”, anh chị được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng. Từ số vốn này, chị Oanh bàn với chồng “nhảy nghề”. Anh chị đầu tư xe máy, tủ cấp đông, thu mua cá và một số mặt hàng hải sản của những ngư dân địa phương, mang về chế biến, rồi cấp đông, sau đó, anh Chờ sẽ chở đến một số huyện xa trong tỉnh để bán. Mỗi “chuyến hàng” của anh thường kéo dài khoảng 2-3 ngày. Với sự cần mẫn, chịu khó, đến nay kinh tế gia đình cũng đã khấm khá hơn. Đó là động lực để gia đình anh chị chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Oanh tâm sự: “Dẫu biết không còn là hộ nghèo sẽ mất đi nhiều quyền lợi nhưng tôi nghĩ, trước đây gia đình còn nghèo, Nhà nước, mọi người đã quan tâm tạo điều kiện cho mình nhiều rồi, giờ kinh tế khá hơn, nhà ở cũng khang trang hơn rồi, chúng tôi không muốn “danh hiệu nghèo” đó nữa mà muốn để lại những chế độ, chính sách ấy cho hộ khác vất vả hơn”.
Ông Thừa Văn Bình, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Thủ Phú trao đổi, nắm bắt tư tưởng, đời sống hộ dân xin thoát nghèo
Ông Thừa Văn Bình, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Thủ Phú, xã Quảng Đại chia sẻ: “Việc làm của gia đình bà Thoa, bà Ninh, anh Chờ đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong thôn. Năm 2024, thôn Thủ Phú đã có 05 hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, 6 hộ xin ra khỏi hộ cận nghèo. Nhờ vậy năm 2024, mặc dù được giao chỉ tiêu giảm 3 hộ nghèo, giảm 10 hộ cận nghèo nhưng đến cuối năm, toàn xã đã giảm được 6 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo. Hiện tại, thôn chỉ còn 2 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo.”
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2024, xã Quảng Đại được giao chỉ tiêu phấn đấu giảm 14 hộ nghèo và 30 hộ cận nghèo. Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", Cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về công tác giảm nghèo. Phối hợp với các cấp, ngành cấp trên triển khai các chương trình đa dạng hóa sinh kế hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tính đến tháng 11/2024, xã đã giảm được 17 hộ nghèo, và 36 hội cận nghèo; đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 1,55%, cận nghèo còn 4,27%.
Việc các hộ dân thôn Thủ Phú, xã Quảng Đại tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo không chỉ góp phần tích cực giúp chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là minh chứng cho những thay đổi trong nhận thức, tư duy của người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cùng những cách làm sáng tạo trong công tác điều hành, chỉ đạo, sâu sát, quan tâm đến mọi mặt đời sống nhân dân của các cấp chính quyền cơ sở. Những cố gắng ấy đã thực sự khơi dậy thành công ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo trong từng người dân địa phương. Đây chính là động lực quan trọng để Quảng Đại tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, đưa Quảng Đại trở thành phường có nền kinh tế phát triển trong tương lai gần.
Nguyễn Hiền