“Bánh đúc có xương” và hành động trả lại vàng cho người mất

Bánh đúc có xương đã là chuyện xưa nay hiếm nhưng người phụ nữ mà chúng tôi gặp còn làm được nhiều hơn thế. Chị không những hết lòng yêu thương những đứa con chồng mà còn chăm sóc cho người vợ đầu của chồng bị bệnh tâm thần. Chị còn có hành động cao đẹp trả lại 7 chỉ vàng nhặt dược cho người mất. Chị là Phạm Thị Thảo, thôn Thành Thắng, xã Quảng Cư.

Chúng tôi tìm đến nhà chị Thảo, thôn Thành Thắng, xã Quảng Cư trong một buổi chiều nhá nhem tối. Gia đình đang chuẩn bị ăn bữa cơm chiều. 7 người vây xung quanh mâm cơm đạm bạc chỉ có ít con cá kho và bát canh rau muống. Tài sản gia đình chị chẳng có gì đáng giá. Có mỗi chiếc ti vi cũ cũng đã hỏng mà chưa có tiền để đi sửa.

Năm 2002, chị Thảo đồng ý kết hôn cùng anh Nguyễn Văn Linh trong khi anh đã có vợ và 3 con. Người vợ cũ bị bệnh tâm thân đã nhiều năm, đứa con lớn mới chỉ 7 tuổi, con nhỏ chưa đầy 2 tháng tuổi. Những ngày đầu mới kết hôn, cuộc sống của chị vô cùng khó khăn, vất vả.

Vất vả nhất là phải chăm sóc người vợ của chồng bị tâm thần, nhiều khi phát bệnh, người vợ cả đánh đập, hành hung, chửi bới, không cho chị làm giúp vệ sinh cá nhân, đứa con nhỏ được sinh ra sau khi người vợ đầu mắc bệnh, không hề nhận ra con mình, không chịu cho con bú. Xót thương đứa con bé bỏng của chồng, Chị Thảo đã cố gắng bù đắp cho bé tình thương người mẹ, nuôi nấng, chăm sóc, ấp iu cho bé khi bé quấy khóc, ốm đau. Cũng may mắn cho chị Thảo, đứa bé cứ thế lớn lên, mạnh khoẻ bằng tình yêu thương, chăm sóc của người “mẹ kế”.

Năm 2004, chị Thảo vui mừng khi chào đón đứa con của mình ra đời. Trong niềm vui, chị vẫn canh cánh nỗi lo rồi sẽ lấy gì nuôi các con. Chồng chị làm nghề đi biển, do không có vốn nên cũng chỉ đánh bắt, lượm lặt ven bờ, thu nhập hôm có, hôm không. Chị Thảo vừa phải chăm lo cho 4 người con ăn học, vừa phải chăm sóc bệnh nhân tâm thần vừa lặn lội đi thu mua sắt vụn. Hôm ít bù hôm nhiều, mỗi ngày chị cũng kiếm được vài ba chục nghìn để gia đình không lâm vào cảnh dứt bữa.

Trong một lần khi đi thu mua sắt vụn, chị được bà Lê Thị Thoa, khu phố Nam Hải, P. Trung Sơn cho một số quần áo cũ. Về nhà, khi các con giũ quần áo ra, chị phát hiện thấy 2 chiếc hộp. Bên trong có hơn 6 chỉ vàng và một số nữ trang khác. Tổng trị giá hơn 7 chỉ vàng.

7 chỉ vàng, trị giá gần 30 triệu đồng là số tiền quá lớn đối với gia đình chị. Nếu có được số tiền này, chị có thể trang trải bớt khoản nợ gia đình vay mấy năm vừa rồi để sửa nhà, chữa bệnh và lo cho cuộc sống.

Thế nhưng, cuộc sống nghèo túng không làm cho người phụ nữ ấy mất đi bản tính thật thà, trung thực, chị tâm sự: “Họ tốt với mình, thương mình nên mới cho mình quần áo cũ, mình may mắn nhặt được đồ của họ thì nên trả lại, tiền của bao nhiêu rồi cũng hết, không được sử dụng những đồng tiền do mồ hôi, công sức của người khác...”.

Nghĩ là làm, chị chạy sang rủ cô em chồng cùng mang 7 chỉ vàng vào trả cho gia đình bà Thoa.

Rời xa miền quê nghèo khó, chúng tôi vẫn còn nhiều trăn trở về hình ảnh người phụ nữ tảo tần chăm sóc con chồng và vợ cũ của chồng. Hoàn cảnh của chị còn quá khó khăn, các cấp có thẩm quyền cần tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ gia đình chị được vay vốn sản xuất. Chắc chắn rằng, bằng nghị lực và sự  cần mẫn chịu khó, chị sẽ cùng gia đình tích cực sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nuôi con ăn học, trở  thành người có ích.

Nguyễn Hiền