Thành phố Sầm Sơn: Tưng bừng lễ hội bánh chưng – Bánh Giày truyền thống 2019
Sáng ngày 14/6 (tức ngày 12/5 âm lịch), thành phố Sầm Sơn long trọng tổ chức lễ hội bánh chưng bánh dày truyền thống năm 2019. Dự lễ hội có các đồng chí Nguyễn Quốc Uy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo tỉnh ủy; Võ Mạnh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Lương Tất Thắng, Phó bí thư, Chủ tịch UBND thành phố; Lê Việt Cường, Ủy viên Ban thường vụ, Phó chủ tịch HĐND thành phố; đại diện các sở, ngành cấp tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, UMTTQ thành phố; thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị, các xã phường và đông đảo các đồng gia bản hội, nhân dân và du khách.
Các đại biểu, nhân dân, du khách tham dự Lễ hội Bánh chưng – Bánh Giày truyền thống 2019
Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân đến từ 7 làng của 5 phường nội thành và 6 xã, phường trong trang phục truyền thống tham gia nghi thức rước kiệu, diễu hành trên các cung đường quy định, tề tựu tại chân đền Độc Cước chuẩn bị cho các nghi lễ truyền thống của Lễ hội bánh chưng - bánh giày.
Các làng tham gia rước kiệu tề tựu về sân khấu đền Độc Cước
Đồng chí Lương Tất Thắng, Phó bí thư, Chủ tịch UBND thành phố khai mạc lễ hội.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, đồng chí Lương Tất Thắng, Phó bí thư, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Lễ hội bánh chưng – bánh giày truyền thống của thành phố Sầm Sơn là dịp để tạ ơn trời đất, tạ ơn Đức thánh Độc Cước chân nhân và các vị thần đã phù hộ độ trì cho muôn dân có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc; cầu cho mưa thuận gió hòa để du lịch Sầm Sơn thành công, mùa màng tươi tốt, tôm cá đầy thuyền.
Đồng chí Võ Mạnh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đánh trống khai hội.
Sau những nghi lễ truyền thống và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Huyền thoại Sầm Sơn – Khí thiêng sông núi” là phần thi làm bánh giày của các làng đến từ 11 xã, phường trên địa bàn thành phố – Đây là nội dung đặc sắc, hào hứng, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem, cổ vũ. Do được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, các công đoạn thi làm bánh giày được các nghệ nhân và nhân dân tái diễn chi tiết, thành thục. Bằng tấm lòng thành kính cùng với sức mạnh đoàn kết, sự dẻo dai, nhanh nhẹn, khéo léo của từng thành viên đã tạo nên những chiếc bánh giày tròn, dẻo, trắng mịn, đúng theo quy định của ban tổ chức để dâng lên thần Độc Cước.
Mặc dù thời tiết khá oi nóng, nhưng các đội vẫn hăng hái nấu xôi chín thật nhanh để chuyển sang công đoạn giã bánh.
Anh Nguyễn Quang Minh (xã Quảng Minh) – người tham gia trực tiếp giã bánh giày phấn khởi chia sẻ: Đây là năm đầu tiên đơn vị xã Quảng Minh tham gia thi làm bánh giày. Tôi tất vui, cũng rất hồi hộp vì lần đầu tiên mình làm bánh. Nhưng với tấm lòng thành kính và tinh thần đoàn kết của cả đội, chúng tôi sẽ cố gắng làm bánh đạt thời gian nhanh nhất và thật đẹp .
Với tinh thần đoàn kết, các đội đã thi giã, làm thành những chiếc bánh giày tròn, đẹp.
Chị Hoàng Thị Thảo, du khách đến từ tỉnh Hưng Yên cho biết: (ÂT) Đây là lần thứ 3 tôi đến Sầm Sơn. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi cùng các con của mình đến tham dự lễ hội. Tôi muốn cho các cháu tận mắt chứng kiến lễ hội, nhất là cách giã bánh giày, để các cháu biết được nét đẹp văn hóa truyền thống, cội nguồn của dân tộc.
Ban giám khảo chấm điểm phần thi giã bánh giày cho các đội tham gia.
Kết thúc lễ hội, Ban tổ chức lễ hội trao giải nhất phần thi rước kiệu cho làng Núi (Trường Sơn); giải nhất phần thi làm bánh giày thuộc về đền Đề Lĩnh (Trung Sơn); giải nhất toàn đoàn thuộc về đền Đề Lĩnh (Trung Sơn), đồng giải nhì thuộc về làng Núi (Trường Sơn) và làng Cá Lập (Quảng Tiến).
Các đơn vị nhận giải thưởng từ Ban tổ chức lễ hội
Lễ hội Bánh chưng – bánh giày không những phát huy được giá trị tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, mà còn làm phong phú thêm các sản phẩm phục vụ du lịch, tạo nên một hình ảnh đô thị du lịch biển Sầm Sơn ngày càng hiện đại văn minh nhưng vẫn đậm đà nét văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương.
Phương Xoan - Băng Thanh