1277 người đang online

SẦM SƠN DI TÍCH VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH

Đăng ngày 10 - 05 - 2024
100%

1. Khái quát về di tích và danh lam, thắng cảnh Sầm Sơn

Sầm Sơn là vùng đất ven biển, nhưng hội tụ được đầy đủ các loại địa hình, có đồng bằng, có biển, có núi. Sự đa dạng đó đã tạo nên diện mạo Sầm Sơn với những danh lam thắng cảnh đẹp, như: Bãi biển Sầm Sơn, núi Trường Lệ. Đồng hành cùng với lịch sử dân tộc, Nhân dân nơi đây đã có nhiều công lao đóng góp vào quá trình dựng và giữ nước, thể hiện bằng số lượng lớn di tích lịch sử văn hóa (đền thờ các bậc khai quốc công thần, những người có công với đất nước, dân tộc), như: Đền thờ Vua Thục Phán An Dương Vương, vị quan thanh liêm Tô Hiến Thành, Tướng quân Trần Đức, Đề lĩnh Lê Quang Lộc, Đô đốc Nguyễn Sỹ Dũng, Hoàng Minh Tự... Những di tích, đền thờ được bảo tồn đến tận ngày nay, minh chứng cho sự tôn kính, lòng biết ơn đối với tiền nhân của các thế hệ người dân quê biển nơi đây. Trong các đền thờ, di tích và công trình tôn giáo, tín ngưỡng còn có những di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, trải thời gian vẫn còn ánh lên nét tài hoa và nghệ thuật xây dựng chạm khắc của các nghệ nhân dân gian, như: Chùa Khải Minh, đền thờ Độc Cước, Tô Hiến Thành... Qua đó, đã khẳng định được sự tinh tế trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đặc sắc các công trình tôn giáo, tín ngưỡng hiển hiện trên đất Sầm Sơn xưa và nay. Cùng với công trình kiến trúc, điêu khắc với chất liệu là gỗ, đá... đạt tới trình độ tinh tế và nghệ thuật cao, trong các công trình thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng tới nhà thờ, từ đường các dòng họ, gia tộc vẫn còn nhiều hiện vật được lưu giữ và phát huy giá trị, thể hiện sự quan tâm, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa của cha ông, của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân nơi đây. Danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng trên địa bàn thành phố Sầm Sơn đã và đang phát huy giá trị, phục vụ hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng cho mỗi người dân nơi đây và du khách. Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố Sầm Sơn đang trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Sầm Sơn trở thành trung tâm du lịch của cả nước và mang đẳng cấp quốc tế, làm cho Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Sầm Sơn có nhiều di tích và danh thắng đẹp, nổi tiếng. Đã có nhiều tác phẩm giới thiệu, ngợi ca vùng đất Sầm Sơn kì thú với niềm xúc cảm dâng trào. Đặc biệt là danh thắng núi Trường Lệ, tại Sầm Thôn, xã Lương Niệm, núi Trường Lệ chạy dài theo hướng tây bắc đến đông nam liền với biển “Núi đất lẫn đá, đông bắc là biển, tây nam là ruộng cát. Nơi ấy khởi nên 16 ngọn núi, cao nhất 300 thước, trên dưới một vòng, dài đến bảy tám ngàn thước, đông nam là ngọn Đầu Voi thuộc xã Trường Lệ, đông bắc là ngọn Giải Miết (tức hòn Cổ Giải - PT) thuộc xóm Núi (tức Sầm Thôn), có Độc Cước Sơn Tiêu linh từ (tức đền thờ thần Độc Cước). Nơi ấy núi non kỳ tú, cây cối tốt tươi như rừng. Lên cao nhìn ngắm thấy quần đảo gần xa, khí biển phong nhiên, gió mát đong đầy tay áo... Sớm chiều thuyền đánh cá ẩn hiện giữa khói sóng. Quả là một thắng cảnh giữa biển trời…” (1).

Trên dải đất ven biển nhỏ hẹp này đã có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, trong đó: Đền, nghè, miếu, có chùa và nhà thờ Thiên Chúa giáo. Thiên nhiên đã ban tặng cho Sầm Sơn dãy núi Trường Lệ dài và đẹp như cái tên vốn có và đại dương xanh mênh mông, đầy nắng gió, điều này đã đem đến cho miền đất nơi đây một thắng cảnh tuyệt mĩ. Trên hòn Cổ Giải có đền Thượng thờ thần Độc Cước được xây dựng từ thời Lý - Trần, dưới chân đền là bãi cát mịn màng chạy dài dọc theo bãi biển, đây là bãi tắm lí tưởng vào bậc nhất của miền Bắc Việt Nam. Cách đền Độc Cước về phía tây là đền thờ Tô Hiến Thành, còn gọi là đền Trung. Tô Hiến Thành là một đại thần của Triều Lý (thế kỉ XII) nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Vào năm 1161, ông được Vua Lý Thánh Tôn cử cầm quân dẹp loạn ở vùng biển Thanh Hóa, nhờ thế Nhân dân được yên ổn làm ăn và đã lập đền thờ tưởng nhớ công đức của ông. Đền thờ trước kia tuy nhỏ nhưng đẹp, trải qua thời gian đền đã đổ nát. Năm 1990, mới được tu bổ lại và hiện nay đang được trùng tu, tôn tạo với quy mô bề thế hơn; trong đền đang cất giữ một số hiện vật quý như bộ kiệu sơn son thiếp vàng, chạm khắc công phu. Phía trái đền có cây bàng cổ thụ hơn 100 năm làm cho cảnh sắc đền càng thêm thâm nghiêm, linh ứng. Hằng năm, vào ngày 16 tháng 2 âm lịch, Nhân dân nô nức mở lễ hội đền.

Bảng thống kê tên các di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh * Di tích quốc gia đặc biệt:

Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn, gồm: Núi Trường Lệ, đền Độc Cước, hòn Trống Mái, đền Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên..., xếp hạng năm 2019.

* Di tích và danh thắng xếp hạng cấp quốc gia:

1. Di tích danh thắng hòn Trống Mái, phường Trường Sơn, xếp hạng năm 1992.

2. Di tích lịch sử văn hóa đền Độc Cước, phường Trường Sơn, xếp hạng năm 1992.

3. Di tích lịch sử văn hóa đền Cô Tiên, phường Trường Sơn, xếp hạng năm 1992.

4. Di tích lịch sử văn hóa đền Tô Hiến Thành, phường Trường Sơn, xếp hạng năm 1992.

5. Di tích lịch sử văn hóa đền Đề Lĩnh, phường Trung Sơn, xếp hạng năm 1993.

6. Di tích lịch sử văn hóa chùa Kênh (Hưng Phúc), xã Quảng Hùng, xếp hạng năm 1996.

7. Di tích lịch sử văn hóa đền Vua Thục Phán An Dương Vương và Công chúa Mỵ Châu, phường Quảng Châu, xếp hạng năm 1996.

8. Di tích lịch sử văn hóa đền Cá Lập, phường Quảng Tiến, xếp hạng năm 1999.

* Di tích và danh thắng được xếp hạng cấp tỉnh:

1. Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Họ Văn (thờ Tướng quân Văn Quảng Đạt), phường Trường Sơn, xếp hạng năm 1993.

2. Di tích lịch sử văn hóa đền Hoàng Minh Tự, phường Trường Sơn, xếp hạng năm 2001.

3. Di tích lịch sử văn hóa chùa Khải Minh, phường Bắc Sơn, xếp hạng năm 1993.

4. Di tích lịch sử văn hóa chùa Lương Trung, phường Bắc Sơn, xếp hạng năm 1999.

5. Di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triều, phường Trung Sơn, xếp hạng năm 1993.

6. Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Đô đốc Nguyễn Sỹ Dũng, phường Quảng Tiến, xếp hạng năm 1993.

7. Di tích lịch sử văn hóa đền làng Hới, phường Quảng Tiến, xếp hạng năm 1993.

8. Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Họ Trần, phường Quảng Tiến, xếp hạng năm 2007.

9. Di tích lịch sử văn hóa chùa Khải Nam, phường Quảng Tiến, xếp hạng năm 1999.

10. Di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triều, phường Quảng Cư, xếp hạng năm 1990.

11. Di tích lịch sử văn hóa đền Trương Đức Dong (Trương Lệ Thủy), phường Quảng Cư, xếp hạng năm 1993.

12. Di tích lịch sử văn hóa đền Thanh Khê, phường Quảng Cư, xếp hạng năm 1994.

13. Di tích lịch sử văn hóa đền Kỳ Phúc, phường Quảng Cư, xếp hạng năm 1999.

14. Di tích lịch sử văn hóa đền Ngư Ông, phường Quảng Cư, xếp hạng năm 2007.

15. Di tích cách mạng khu lưu niệm chi bộ Cố Gắng - Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của thành phố Sầm Sơn, phường Quảng Cư, xếp hạng năm 2020.

16. Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Tướng quân Hoàng Minh Tự, phường Quảng Vinh, xếp hạng năm 1994.

17. Di tích lịch sử văn hóa nghè Du Vịnh (nghè Ba Mươi), phường Quảng Vinh, xếp hạng năm 2011.

18. Di tích lịch sử văn hóa Nghè Sày, phường Quảng Châu, xếp hạng năm 1993.

19. Di tích lịch sử văn hóa đền Đông Hải Đại Vương, phường Quảng Châu, xếp hạng năm 1996.

20. Di tích lịch sử văn hóa nghè làng Kiều, phường Quảng Châu, xếp hạng năm 2002.

21. Di tích lịch sử văn hóa nơi thờ, nhà bia, mộ Vũ Đình Phiên, phường Quảng Châu, xếp hạng năm 2011.

22. Di tích lịch sử văn hóa chùa Khán Sơn, phường Quảng Châu, xếp hạng năm 2011.

23. Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ họ Nguyễn Trọng, phường Quảng Châu, xếp hạng năm 2015

24. Di tích lịch sử văn hóa nghè Thọ Đài, phường Quảng Thọ, xếp hạng năm 2007.

25. Di tích lịch sử văn hóa nghè Đệ Tứ, phường Quảng Thọ, xếp hạng năm 2007.

26. Di tích lịch sử văn hóa nghè Văn Phú, phường Quảng Thọ, xếp hạng năm 2011.

27. Di tích lịch sử văn hóa nghè Thánh Cả, phường Quảng Thọ, xếp hạng năm 2020.

28. Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Phục, xã Quảng Đại, xếp hạng năm 1998.

29. Di tích lịch sử văn hóa đình Mỹ Lâm, xã Quảng Đại, xếp hạng năm 2006.

30. Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ dòng Họ Thừa (thờ Tướng quân Thừa Văn Mông), xã Quảng Đại, xếp hạng năm 2011.

* Di tích và danh thắng chưa được xếp hạng:

1. Di tích cách mạng tượng đài nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi, phường Trung Sơn.

2. Di tích cách mạng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, phường Quảng Tiến.

3. Điểm di tích Khu lưu niệm nơi Bác Hồ về thăm và kéo lưới cùng ngư dân Sầm Sơn, phường Trường Sơn.

4. Di tích cách mạng nhà truyền thống - Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Quảng Xương, phường Quảng Thọ.

5. Di tích lịch sử văn hóa chùa Liên Hoa, phường Quảng Thọ.

6. Di tích lịch sử văn hóa nghè Châu Lọc, phường Quảng Châu.

7. Di tích lịch sử văn hóa nghè làng Yên Trạch, phường Quảng Châu.

8. Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ họ Lương Ngọc, phường Quảng Châu.

9. Di tích lịch sử văn hóa chùa Tranh, phường Trường Sơn.

10. Di tích lịch sử văn hóa chùa Đồng Bông, xã Quảng Đại.

11. Di tích lịch sử văn hóa chùa Viên Thận, xã Quảng Minh.

2. Một số di tích tiêu biểu

2.1. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn - Di tích quốc gia đặc biệt

Sầm Sơn là thành phố du lịch biển nổi tiếng cả nước. Không chỉ sở hữu bãi tắm đẹp, Sầm Sơn còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Quần thể di tích danh thắng Sầm Sơn đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia tại Quyết định số 313-VH/ VP ngày 28/4/1962.

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn là địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với bãi dài, cát trắng, biển cả mênh mông soi bóng núi Trường Lệ, tạo nên bức tranh thủy mặc tuyệt vời. Sầm Sơn còn là khu vực thiên nhiên rất đa dạng về sinh học (rừng đặc dụng). Nơi đây có nhiều công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử - văn hóa, đền Độc Cước tọa lạc trên hòn Cổ Giải, đền Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên, hòn Trống Mái... với những truyền thuyết lung linh sắc màu huyền thoại mang đậm chất nhân văn, cùng nhiều lễ hội truyền thống độc đáo như: Lễ hội đền Độc Cước, lễ hội Cầu ngư, lễ hội tình yêu hòn Trống Mái...

Với những giá trị đặc sắc của miền đất nơi đây, ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1954/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho quần thể di tích, danh lam thắng cảnh Sầm Sơn. Sầm Sơn với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ quả là vùng sơn thủy hữu tình, biển cả bao la cùng những thắng tích và huyền thoại mang đậm chất nhân văn có sức hấp dẫn và gọi mời du khách về với miền đất kì thú.

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, là niềm vinh dự của thành phố Sầm Sơn và của tỉnh Thanh Hóa, nhằm bảo tồn, phát huy tốt hơn nữa các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch, xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch biển của cả nước, giàu đẹp, văn minh.

2.2. Di tích danh thắng hòn Trống Mái - Di tích cấp quốc gia

Hòn Trống Mái nằm trên sườn đốc thoai thoải núi Trường Lệ thuộc địa phận phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn. Hòn Trống Mái được công nhận là danh thắng quốc gia vào năm 1962. Đây là danh thắng nổi tiếng của Sầm Sơn nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Hòn Trống Mái gồm ba phiến đá lớn được tạo hóa sắp đặt đã tồn tại bao đời. Một hòn lớn nằm bằng phẳng phía dưới như là bệ đỡ vững chãi cho hai khối đá tựa hình đôi chim ngự lên. Trên khối đá đó có một hòn đầu nhọn, dáng vươn cao tựa như con trống, một hòn nhỏ hơn đối diện có dáng nép vào con trống, khối đá đó tựa như con mái.

Hòn Trống Mái gắn liền với một câu chuyện đẹp về mối tình thủy chung, sống chết bên nhau của cặp vợ chồng trẻ sau đại nạn hồng thủy, đến các nàng tiên du ngoạn nơi trần gian phải động lòng cảm phục cho hóa thành đôi Chim Đá để ngày ngày quấn quýt bên nhau. Trải qua thời gian, hòn Trống Mái đứng sừng sững giữa đất trời, trơ gan cùng tuế nguyệt. Hòn Trống Mái chính là biểu trưng cho tình yêu son sắt, tình cảm đôi lứa chung thủy. Biểu tượng nổi tiếng do tạo hóa tác hợp hòn Trống Mái đã được công nhận và thuộc quần thể di tích, danh thắng quốc gia đặc biệt ở Sầm Sơn.

2.3. Di tích lịch sử văn hóa đền Độc Cước - Di tích cấp quốc gia

Đền Thượng, làng Núi thờ thần Độc Cước nằm trên hòn Miết Cảnh. Miết Cảnh là tên chữ của hòn Cổ Giải vì núi này giống như cổ một con giải (họ rùa, ba ba) vươn ra ngoài biển thuộc dãy Trường Lệ. Đỉnh Cổ Giải còn gọi là núi Gầm vì sóng đập vào bờ đá như gầm réo nên đền Độc Cước còn có tên là đền Gầm.

Đền Độc Cước theo sách Thanh Hóa tỉnh chí biên soạn cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX thì nơi đây có một thần nhân giáng xuống ngọn Miết Cảnh để lại dấu chân trái trên đá dài một trượng, rộng năm tấc, người địa phương thấy linh dị bèn dựng miếu ngay trên dấu chân ấy để thờ Độc Cước Chân Nhân.

Kiến trúc điêu khắc, tượng và đồ thờ ở đền Thượng, đền Thượng lúc đầu được làm bằng tre mái lợp tranh. Đến đời Vua Hồng Đức (Lê Thánh Tông), sau một trận bão lụt lớn bỗng xuất hiện một cây gỗ chò rất to từ ngoài biển trôi dạt vào hòn Cổ Giải. Dân làng cho là thần đưa gỗ về làm đền bèn bảo nhau xẻ gỗ, thuê thợ khéo dựng đền.

... Đời Hồng Đức bây giờ mới thấy Một cây chò rộng mấy người ôm Bỗng đâu trôi đến đầu thôn

Dân làng xẻ gỗ sớm hôm dựng đền Làm hai giải võ hai bên ...

Ngôi đền ấy tồn tại không được bao lâu thì bị bọn cướp biển tàn phá, làm sập. Ngôi đền ngày nay được dựng lại vào thời vua Lê Trung Hưng, đã qua nhiều lần sửa chữa, tu bổ. Chứng cứ còn ghi lại ở thượng lương tiền đường cũ, nay là gian thiêu hương (ở giữa) vào năm Chính Hòa (1675 - 1705). Đến năm vua Thành Thái thứ Ba (1889 - 1907), dân làng làm thêm ngôi tiền đường mới như hiện nay. Trên thượng lương của ngôi tiền đường này ghi: “Hoàng Triều Thành Thái tam niên tuế thứ Tân mão hạ nguyệt trọng xuân lưu nhật quang thời tân tạo tiền đường thụ thụ đại cát”. Dịch: Đời Vua Thành Thái thứ ba năm Tân mão (1892 ) mùa xuân, tháng ba ngày tốt lành làm ngôi tiền đường này hưởng phúc lành. (Bùi Xuân Vỹ dịch).

Trải qua thời gian và biến cố lịch sử, sau những năm chiến tranh, đền được sửa chữa, tu bổ lại để đón khách thập phương tới thăm viếng, tế lễ. Đền Độc Cước được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia tại Quyết định số 313/QĐ-BVHTT, ngày 27/4/1962, vào sổ danh mục di tích lịch sử văn hóa số 47. Ngày 14/2/1990, Bộ trưởng Trần Văn Phác, kí công nhận khu danh hắng Sầm Sơn gồm có: Đền Độc Cước, hòn Trống Mái, đền Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên là di tích Quốc gia.

Từ bãi biển nhìn lên thấy rõ toàn cảnh khu đền từ lầu Nghinh Phong, cửa tam quan, đền chính, phủ Mẫu và cây bàng cổ thụ xòe xanh tán lá. Dọc theo bờ biển đến chân núi, bước lên các bậc đá là đến cửa chính tam quan. Gần bậc đá chân núi nhìn sang bên phải có miếu Thổ thần. Đường đi dẫn lên đền Thượng được lát bằng đá phiến dày gồm 50 bậc, rộng 2m, hai bên xây tường đá thấp. Cửa Tam quan mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Hai bên cửa Tam quan có tạc hai ông hộ pháp oai vệ cầm gươm đứng canh đền và hai voi đá chầu vào. Khách vào đền thường đi vào bằng hai cửa nách, kế đến sân rộng lát đá hoa cương dài 7,1m, rộng 3,6m. Hai đầu sân có hai ngôi nhà nhỏ có sẵn bàn ghế để khách thập phương ngồi nghỉ và chuẩn bị lễ vật trước khi vào lễ thần. Khu đền gồm có tiền đường, trung đường, hậu cung và sau cùng là cung cấm. Kết cấu khu đền theo kiểu chuôi vồ - kiểu kết cấu cổ và độc đáo còn gặp rất ít trên đất Thanh Hóa.

2.4. Di tích lịch sử văn hóa đền Cô Tiên - Di tích cấp quốc gia

Đền Cô Tiên tọa lạc trên một mỏm núi, nhoài ra biển, vị thế khá đẹp, dưới chân núi hướng ra biển là Hòn Câu chầu vào đền, nằm ở phía nam núi Trường Lệ. Dân gian trong vùng cho biết: Ngôi đền này thờ một người con gái làm nghề thuốc cứu nhân độ thế. Cô gái vì không vâng lời cha lấy một kẻ nhà giàu nên bị cha đuổi đi. Sau đó cô đem lòng yêu và lấy chàng trai nghèo khó mà tốt bụng tên là Côi. Cuộc sống đang êm ả thì Nàng bị bệnh hủi, rồi một cụ già xuất hiện đã chạy chữa bằng thuốc lá nam và nước suối lấy từ Vụng Tiên. Cô gái khỏi bệnh, Bà cụ ra đi để lại cho vợ chồng họ một tay nải để che mưa và một giỏ mây để đựng thuốc lá cứu người. Một lần, hai vợ chồng đi chữa bệnh về khuya gặp trời mưa to, nhớ lời Bà cụ dặn lấy tay nải ra che mưa, rồi thiếp đi lúc nào không biết. Sáng dậy, hai vợ chồng thấy mình đang ngồi trong một ngôi nhà 3 gian khang trang, sạch sẽ. Từ đó họ ở lại ngôi nhà, hái lá nam chữa bệnh cho mọi người trong vùng. Một buổi sáng đẹp trời cả hai vợ chồng ăn mặc rất đẹp, dắt tay nhau đi lên đỉnh núi rồi không thấy trở về.

Đền Cô Tiên là ngôi đền cổ, ban đầu dựng bằng tranh tre, nứa lá. Ngôi đền hiện nay mang kiến trúc thời Nguyễn, gồm có tiền đường, trung đường và hậu cung. Trong đền có tượng và ngai thờ được chạm khắc đẹp, sơn son, thếp vàng. Các đồ thờ như hương án, bát bửu, khám thờ, ô lọng, kiệu thờ… khá tinh xảo, trải bao đời được dân làng hương khói, phụng thờ. Năm 1960, Bác Hồ về thăm Sầm Sơn và nghỉ lại trong ngôi đền cổ và linh thiêng này. Năm 2010, UBND thị xã Sầm Sơn (nay là thành phố Sầm Sơn) quyết định đầu tư trùng tu, tôn tạo ngôi đền thêm khang trang, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến dang hương, vãn cảnh khu đền. Từ năm 1962, di tích đền Cô Tiên được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích quốc gia.

2.5. Di tích lịch sử văn hóa đền Tô Hiến Thành - Di tích cấp quốc gia

Đền thờ Tô Hiến Thành còn có tên gọi dân gian là Đền Trung, nằm trên sườn núi phía đông bắc của dãy núi Trường Lệ, xóm Hải, làng Sầm Thôn, xã Quảng Sơn, thị trấn Sầm Sơn xưa, ngày nay thuộc phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn. Hằng năm, Nhân dân vẫn tế lễ, giỗ ông vào ngày 12-6 (âm lịch), tri ân vị khai quốc công thần thời Lý, có nhiều công lao thắng Tống, bình Chiêm, bảo vệ đất nước, góp phần xây dựng vương triều nhà Lý vững mạnh.

Ở Sầm Sơn, đền Độc Cước được gọi là Đền Thượng, đền Tô Hiến Thành được gọi là Đền Trung; đền Hoàng Minh Tự được gọi là Đền Hạ. Khu đền có Tam quan bề thế, hai bên cửa vào đền có voi phục, ngựa chầu uy nghiêm. Qua cổng tam quan, có nhiều cây to, như: Si, ngô đồng và nhiều cây bàng cổ thụ trước cửa đền, gốc to hơn một vòng tay tỏa bóng mát và tăng thêm vẻ cổ kính thâm nghiêm của khu đền. Đền có Bái đường, Trung đường và Hậu cung, kết cấu kiểu chữ Đinh, tọa lạc vững chãi trên đỉnh đồi. Bái đường gồm ba gian, các gian với quy mô vừa phải, vừa chống chọi với gió và bão biển, vừa ấm cúng. Trung đường cũng là ngôi nhà 3 gian xây gạch, lợp ngói cổ. Nhà Trung đường ở gian giữa đặt khám thờ, trong đó có tượng thờ Tô Hiến Thành bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Hậu cung nơi linh thiêng nhất, thờ thần vị Thái úy Tô Hiến Thành và mũ áo vua ban. Trong đền hiện còn lưu giữ các hiện vật, đồ thờ cổ như: Hương án, kiệu bát cống, các câu đối, đại tự, bát bửu, chấp kích, hòm sắc, bát hương, lư hương, hạc đồng…

2.6. Di tích lịch sử văn hóa đền Đề Lĩnh - Di tích cấp quốc gia

Ngôi Đền nằm trên một gò đất cao, tương truyền là nơi an táng ông và hai cô con gái. Đền có hướng tây nam, phía trước là cánh đồng lúa, cách đó không xa là Sông Đơ hiền hòa chảy về với biển. Ngôi đền thuộc làng Lương Trung, xã Lương Niệm, phủ Quảng Xương, nay là tổ dân phố Khanh Tiến, phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn. Ngôi đền này thờ thần Hoàng làng Lương Trung: Đường Công,Lê Quang Lộc, dân trong vùng thường gọi là Đề Lĩnh, ông là người làng Bồng Báo thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Ông là người tài trí hơn người, văn võ song toàn, được nhà vua trọng dụng phong cho chức quan lớn. Là tứ trụ triều đình thời vua Lê Tương Dực (1510 - 1515) có công khai dân, lập ấp, là ông tổ của lò võ vật Lương Trung. Vào dịp ngày giỗ Thần 16 tháng Giêng hằng năm, nơi đây diễn ra lễ hội truyền thống sôi nổi và ý nghĩa.

2.7. Di tích lịch sử văn hóa Chùa Kênh (Hưng Phúc tự) - Di tích cấp quốc gia

Chùa Kênh - Hưng Phúc tự xây dựng xong vào cuối mùa đông năm Giáp Tý, niên hiệu Khai Thái Nguyên Niên (1324) thời Trần Minh Tông (1314 - 1329). Chùa tọa lạc tại hương Yên Duyên - phủ Thanh Hoa (nay thuộc xã Quảng Hùng, thành phố Sầm Sơn), chùa thờ đức Phật và Thượng Tướng Minh Tự Lê An, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (1285), được triều đình gia phong “Đô Nguyên Súy Vĩ Thống Quản Đại Thần Trụ Quốc Đại Tướng Quân” và được triều đình cho xây phủ đệ tại hương Yên Duyên. Thượng tướng Lê An sinh được hai người con trai là Đại Toát Lê Bằng, Đại Toát Lê Bào. Cháu nội của ông là Đại Toát Đại liêu ban Lê Mạnh, Đại Toát Ký ban Lê Nam, Đại Toát Ký ban Lê Quảng.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai (1285), tướng giặc Toa Đô dẫn thủy quân đi tắt đường Cổ Khê vào Thanh Hóa. Đại Toát Đại liêu ban Lê Mạnh đốc suất Nhân dân Yên Duyên chặn đánh giặc ở bến Cổ Bút, quân giặc bị đánh bất ngờ, thua to tháo chạy. Vua ban khen tinh thần chống giặc giữ nước của Nhân dân hương Yên Duyên và Đại toát Đại liêu ban Lê Mạnh, chiến tích đó được khắc vào tấm bia chùa Kênh vào năm 1324, bài Minh và lời tựa khắc trên bia do Thị nội Viên ngoại lang họ Lê soạn. Bia chùa Kênh là tấm bia quý hiếm của thời Trần còn lại ở Việt Nam, có giá trị về lịch sử, văn học nghệ thuật.

2.8. Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Vua Thục Phán An Dương Vương và Công chúa Mỵ Châu - Di tích cấp quốc gia

Đền thờ vua Thục Phán An Dương Vương ở làng Bình Hòa, phường Quảng Châu. Theo sử sách xưa, làng Bình Hòa thuộc xã Bình An, tổng Cung Thượng, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Làng Bình Hòa xưa mới thành lập làng gọi là làng Trạp, sau đổi tên là làng Điều Hòa. Các cụ trong làng tham gia nghĩa quân đánh trận Ba Đình ở huyện Nga Sơn, sợ giặc Pháp trả thù đổi tên từ làng Điều Hòa sang làng Bình Hòa. Ngày nay, Bình Hòa chia làm 4 làng: Châu Bình, Châu An, Châu Thành, Châu Chính.

2.9. Di tích lịch sử văn hóa đền Cá Lập - Di tích cấp quốc gia

Đền Cá Lập còn được dân trong vùng gọi là đền Làng Trấp, Nhân dân trong vùng phong Thành hoàng làng. Đền thuộc phường Quảng Tiến, thờ Tướng quân Trần Đức có nhiều công trạng trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm thời Trần. Được các triều đại phong kiến Việt Nam truy phong là: Tây Phương Đại Tướng Quân. Theo các bản ghi chép, Tây phương Tướng Quân vốn quê gốc ở làng Cá Lập. Ông là người rất giỏi về sông nước, võ nghệ tinh thông.

2.10. Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ họ Văn - Di tích cấp tỉnh

Nhà thờ họ Văn là nơi thờ Tướng quân Văn Quảng Đạt. Sinh thời ông (Văn Quảng Đạt) là tướng quân phục vụ Nhà nước phong kiến Lê Sơ, làm quan suốt 15 năm, trải qua 4 đời vua: Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục. Do có công lao với đất nước, ông được Vua Lê phong tặng sắc phong, dòng họ tôn vinh, Nhân dân địa phương kính trọng.

2.11. Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Hoàng Minh Tự - Di tích cấp tỉnh

Đền Hoàng Minh Tự hay còn gọi là Đền Đệ Tam thuộc khu phố Sơn Thủy, phường Trường Sơn. Di tích này nằm trong tổng thể khu di tích phường Trường Sơn nói riêng và của thành phố Sầm Sơn nói chung. Nhân dân trong vùng vẫn thường gọi là đền Hạ. Theo truyền thuyết của Nhân dân và gia phả của dòng họ Hoàng, thôn Trường Lệ, thần có tên hiệu Minh Tự, được phong Thượng đẳng Tối linh thần. Thần họ Hoàng, tên Hiển, được Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn tin dùng, giao cho trọng trách trông nom hậu cần, quân lương. Trong những lúc khó khăn, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, Ngài đã tỏ rõ lòng trung thành tận tụy với triều đình, thể hiện bản lĩnh của một vị tướng tài. Sau khi chiến thắng giặc Nguyên - Mông, triều đình Nhà Trần đã phong tặng hai chữ “Minh Tự”. Ngài đưa toàn bộ gia quyến về định cư tại làng Trường Lệ, còn Ngài ở lại quân ngũ cho đến cuối đời.

2.12. Di tích lịch sử văn hóa chùa Khải Minh - Di tích cấp tỉnh

Chùa Khải Minh tọa lạc trên thế đất đẹp, vị trí trung tâm thành phố, nơi có dân cư đông, thuận tiện về giao thông. Ngôi chùa thuộc phố Bình Sơn, phường Bắc Sơn, thành phố Sầm Sơn. Khải Minh tự là ngôi chùa cổ có niên đại tới 1.000 năm. Trong chùa hiện có hàng chục pho tượng cổ đẹp, trong số đó có 3 pho tượng có niên đại sớm. Chùa có hai chiếc khánh cổ bằng đá nhưng một chiếc đã bị vỡ; chiếc khánh đá còn lại to và đẹp, niên đại từ thời vua Tự Đức, cách ngày nay hơn 500 năm và chuông đồng ghi bằng chữ Hán “Đông Khê áp chung”. Chùa được khôi phục lại vào năm 1994, đây là ngôi chùa có quy mô lớn trong hệ thống các ngôi chùa thờ Phật ở Sầm Sơn. Với những giá trị về tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc - nghệ thuật, chùa Khải Minh đã được Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa vào năm 1994.

2.13. Di tích lịch sử văn hóa chùa - đình làng Lương Trung - Di tích cấp tỉnh

Chùa - đình làng Lương Trung, còn gọi là Thanh Am Tự. Ngôi chùa thuộc địa bàn khu phố Long Sơn, phường Bắc Sơn. Ngôi chùa - đình làng Lương Trung được khôi phục lại các đây chưa lâu. Hiện vật trong chùa và đình mới được tu tạo, hệ thống tượng pháp và đồ thờ cổ đã bị hư hỏng và mất mát do trải qua thời gian và chiến tranh nên không giữ lại được. Chùa - đình làng Lương Trung là nơi sinh hoạt tôn giáo và văn hóa tâm linh của Nhân dân trong vùng, cư dân nơi đây vừa thờ Thần (đức Thành hoàng làng) và vừa thờ Phật.

2.14. Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Bà Triều (phường Trung Sơn) - Di tích cấp tỉnh

Trên một vùng đất cách nhau không xa lắm ở Sầm Sơn có 2 ngôi đền cùng thờ Bà Triều. Nguyên do, làng cổ Triều Dương bị sạt lở, không còn nữa, nên những người dân trong làng chuyển dịch đến nơi ở mới, họ đã mang theo tín ngưỡng phụng thờ Bà Triều tới nơi ở mới để tế lễ và chiêm bái Thánh tổ nghề xăm súc. Một trong hai ngôi đền đó là ngôi đền nằm trên địa phận làng Triều Dương, nay là khu phố Xuân Phú và Vĩnh Thành, phường Trung Sơn. Đây là ngôi đền thờ vọng Bà Triều - Tổ sư nghề dệt xăm súc, ngư cụ đánh bắt tôm, moi, hải sản của Nhân dân Sầm Sơn. Trong ngôi đền của làng, thờ 8 vị thần nhưng có 7 thần vị: 01, Thánh tổ (tức Bà Triều - tổ nghề dệt); 2, Hồng đại Nương Nương; 3, Hồng Mai Nương; 4, Hồng Muội Nương. Bốn vị này có chung một duệ hiệu là “Tứ vị Thánh nương”; 5, Lý úy Thành Minh Vương; 6, Đông Hải Phi Vương Tướng quân; 7, Phù đao Chí Đức.

Hiện nay, trong ngôi đền thờ Thánh Bà còn lưu giữ một bài vị cổ xưa, ghi bằng chữ Hán: “Hùng triều Thánh tổ Ưng đồ Đại vương Thượng đẳng tối linh thần” tức là vị thần xuất hiện từ thời vua Hùng và 12 sắc của các triều đại phong cho các vị thần đượng phụng thờ trong đền. Ngày nay, trong các kì lễ hội đi sau cỗ kiệu của đền Bà Triều người ta thường thấy 12 cô gái đương thì thiếu nữ, đội trên đầu một tấm nhiễu dài 20m, rộng 01m, bước đi khoan thai, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Hằng năm, lễ hội truyền thống tổ chức vào ngày mùng 10 - 11 tháng 02 âm lịch. Trong sân đền các thiếu nữ thi nhau dệt nhiễu và ngư cụ đánh bắt hải sản dâng lên bà; các chàng trai cũng tấp nập giã bánh dày để dâng lên bà những chiếc bánh ngon và đẹp nhất.

2.15. Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Sỹ Dũng - Di tích cấp tỉnh

Đền thờ Nguyễn Sỹ Dũng ở làng Lộc Trung (nay là khu phố Trung Thịnh, phường Quảng Tiến), lấy tước hiệu và tên vị Đô đốc Nguyễn Sỹ Dũng làm tên gọi cho đền. Ngài tên thật là Vũ Văn Dũng, tự Cương Dũng, rồi khi lánh nạn về làng Lộc Trung đổi thành Nguyễn Sỹ Dũng, quê ở làng Phù Mỹ, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đền làng Lộc Trung là cách gọi nôm, lấy tên làng gọi tên đền là cách gọi khá phổ biến ở vùng Sầm Sơn.

2.16. Di tích lịch sử văn hóa đền làng Hới - Di tích cấp tỉnh

Đền làng Hới là tên nôm thường gọi, tên chữ là đền Hải Thôn. Đền còn có một tên gọi thành kính khác là đền Đức Ông thuộc phường Quảng Tiến. Đền ở đầu làng phía tây. Đền ngoảnh hướng tây, lưng tựa vào nền làng với một khẩu độ cao nửa thân đền. Trước mặt là âu thuyền và cống Quảng Châu nơi cửa Sông Đơ đổ vào Lạch Trào Sông Mã, nơi tấp nập tàu thuyền vào ra trú bão, neo đậu, sau những chuyến đi khơi dài ngày. Phía nam đền nhìn sang đền “Lộc Trung” đền “Làng Trấp” và chùa “Khải Nam” (chùa Ải), phía bắc giáp Sông Mã nhìn qua bên kia sông là huyện Hoằng Hóa.

2.17. Di tích lịch sử văn hóa đền thờ họ Trần - Di tích cấp tỉnh

Đền thờ họ Trần thờ tướng quân Trần Uy Đức (còn gọi là Trần Đức), người gốc làng Cá Lập, phường Quảng Tiến. Tướng quân Trần Uy Đức là võ tướng giỏi, mưu trí hơn người, lập nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược. Ông đã chiến đấu và dũng cảm hi sinh để bảo vệ Thái sư Trần Quang Khải - vị tướng tài ba thời Trần. Sau khi tướng quân Trần Uy Đức mất, được Triều Trần phong tước là Trà Lệnh Hầu, quan chánh Lãnh Binh.

2.18. Di tích lịch sử văn hóa chùa Khải Nam - Di tích cấp tỉnh

Khải Nam tự là ngôi chùa cổ, tọa lạc trên khu đất đẹp, bên bờ Sông Mã, thuộc địa phận xóm Phúc, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn. Tương truyền chùa Khải Nam có từ thời Trần Anh Tông (1293-1314). Tên chữ Khải Nam, có nghĩa là “Mở rộng cửa đón chúng sinh nước Nam”. Ban đầu, chùa được xây dựng chỉ mới bằng tranh tre, vách đất, tạm dùng để làm nơi thờ Phật và sinh hoạt tín ngưỡng. Đến thời Vua Lê Trung Hưng (thế kỉ XVI-XVIII), chùa mới được xây dựng lại rất bề thế, với tam quan nguy nga, chính điện lộng lẫy. Đến thời nhà Nguyễn, năm 1870 chùa được xây dựng lại một lần nữa với kiến trúc lớn hơn. Căn cứ vào những tài liệu và những chứng tích lịch sử để lại, đặc biệt là tấm bia Lưu phương bi ký dựng năm Tự Đức thứ 23 (1870), thì chùa Khải Nam là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị, từng được mệnh danh là “An Nam đệ nhất Ải Tự” để nói về công trình kiến trúc đặc sắc và sự linh thiêng của ngôi chùa cổ Khải Nam này. Tuy nhiên, do tác động ngoại cảnh của thiên tai, chiến tranh cùng sự bào mòn của thời tiết, ngôi chùa đã trở thành phế tích. Những năm cuối thế kỉ XX, nền chùa cũ được dùng xây dựng trường học, nay là Trường tiểu học Quảng Tiến I.

Mãi tới năm 2011, chùa được trùng tu, tôn tạo lại ở một vị trí mới gần nền chùa cũ đã xuống cấp với quy mô lớn, bề thế hơn. Với giá trị lịch sử và kiến trúc đặc sắc, Chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trở thành một địa điểm quan trọng, thu hút người dân, phật tử trong vùng và du khách đến với vùng đất Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn.

2.19. Di tích lịch sử văn hóa đền Thanh Khê - Di tích cấp tỉnh

Đền Thanh Khê còn gọi là đền làng Vạn, nay thuộc khu phố Minh Cát, phường Quảng Cư. Đền thờ Tứ vị Thánh Nương (Cung cấm - Hữu cung); Tam tòa Đại Vương (Cung Đệ Nhị) và Đông Sát Hải Phi Vương Tướng quân (Cung Đệ Tam). Đây là một ngôi đền có từ lâu đời với kiến trúc bằng gỗ, ngoài xây tường kiên cố. Trải qua thời gian, ngôi đền vẫn còn giữ được kiểu dáng mang đậm thức kiến trúc thời Nhà Nguyễn với với những nét chạm trổ tinh xảo và nhiều hiện vật quý được lưu giữ trong đền. Đáng chú ý là ngai thờ, đại tự, câu đối ngợi ca công đức của Tứ vị thánh nương. Trong đền còn có đồ thờ bằng đồng, lọng thờ, các cỗ kiệu được sơn son, thiếp vàng mang dấu ấn thời Nguyễn. Ngoài ra, đền còn lưu giữ một số sắc phong ghi công trạng và tấn phong cho các vị thần được thờ phụng.

Hằng năm, cứ đến ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, Nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội truyền thống thu hút đông đảo dân chúng thập phương tới dự lễ, dâng hương và chiêm bái. Đền Thanh Khê đã được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1994.

2.20. Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Trương Đức Dong - Di tích cấp tỉnh

Đền thờ Trương Đức Dong, tọa lạc tại làng Cá Lập, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, thờ Phủ đô hầu Tướng quân Trương Đức Dong. Đền được xây dựng vào khoảng năm 1.800.

Phủ đô hầu Tướng quân Trương Đức Dong, người làng Lương Nham, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là một võ tướng thời Lê Sơ, có công lao trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm vào thế kỉ XVI, được phong tặng Phủ đô hầu Tướng quân. Về sau, ông được vua Lê đặc phái đến giữ vùng cửa biển Lạch Trào. Ở đây, ông chiêu mộ binh sĩ, luyện quân, mở mang đất đai, dần xây dựng nên làng Cá Lập. Vì vậy, sau khi ông mất, Nhân dân địa phương lập đền thờ, nhà vua ban sắc phong: “Bậc tướng quân có lòng trung nghĩa, nổi tiếng phiệt duyệt là bậc công thần nêu gương gắng sức, dốc lòng trung thành, giúp sức việc quân, hợp mưu mô, tham tán giúp việc lớn, nổi tiếng ứng nghiệm, trí tuệ, đồng lòng giúp nước, chống lại nguy hiểm, trừ bỏ tai vạ, bảo vệ dân, giữ gìn lòng trung nghĩa, là bậc Đại Vương ưu tú tốt đẹp …”.

Ông Trương Đức Dong lấy vợ người làng Cá Lập, sinh được người con trai là Trương Phúc Thông - nay là ông tổ của Chi phái họ Trương ở làng Cá Lập, phường Quảng Cư.

Ông Trương Đức Dong có công lớn trong việc bảo vệ bờ cõi vùng duyên hải Thanh Hóa, được coi là bậc công thần. Tên tuổi của ông mãi mãi gắn liền với vùng đất Cá Lập, phường Quảng Cư. Đền thờ của ông được người đời xưa tôn sùng, hậu thế ngưỡng mộ.

2.21. Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Ngư Ông - Di tích cấp tỉnh

Làng Quang, xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (nay là phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn), thời Nguyễn thuộc xã Triều Thanh Lọc và xã Lương Niệm, Tổng Cung Thượng, huyện Quảng Xương. Làng Quang, nằm bên bờ Sông Mã - cửa Lạch Trào thông ra biển, hai mặt giáp sông, một mặt giáp biển và một mặt neo vào đất liền. Cửa Lạch Trào thường xuất hiện cá Voi, mỗi khi thời tiết thay đổi, hàng đàn cá Voi từ khơi xa theo cửa lạch ngược dòng Sông Mã lên tới tận bến Hàm Rồng. Tại Bến Gềnh có ngôi đền thờ Ông Nam Hải, dân gian gọi là đền thờ Ngư Ông khá nổi tiếng gắn với lễ hội hằng năm tổ chức vào ngày 26 tháng Giêng âm lịch, thu hút nhiều người dân đến tham dự, chiêm bái.

2.22. Di tích lịch sử cách mạng chi bộ Cố Gắng - Di tích cấp tỉnh

Sau khi lãnh đạo Nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước yêu cầu của thực tiễn và sứ mệnh lịch sử; dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Quảng Xương, ngày 02/9/1947, tại nhà gia đình ông Vũ Đình Sinh (thân sinh đồng chí Vũ Thanh Long và Vũ Đức Linh) thôn Cá Lập (nay là khu phố Trung Chính, phường Quảng Cư) Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên tại khu vực Sầm Sơn được thành lập, lấy tên là chi bộ Cố Gắng, xã Quảng Tiến, gồm 6 đảng viên do đồng chí Trần Huệ Như làm Bí thư. Cũng từ đây, các tổ chức cơ sở đảng ở khu vực Sầm Sơn phát triển nhanh, tiến tới thành lập Đảng bộ thành phố Sầm Sơn; lãnh đạo Nhân dân vượt qua gian khổ, ác liệt, khó khăn, thử thách đạt được nhiều thành tựu to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và ngày nay là công cuộc đổi mới công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Từ 6 đảng viên trong buổi đầu thành lập, trải qua quá trình trưởng thành vượt bậc về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đến nay (21/4/2022), Đảng bộ thành phố Sầm Sơn hiện có trên 5.467 đảng viên, sinh hoạt tại 219 chi bộ.

Năm 2017, di tích nơi thành lập Chi bộ Cố Gắng - tiền thân của Đảng bộ thành phố Sầm Sơn đã được tu bổ, tôn tạo khang trang và bề thế, thu hút đông đảo cán bộ, Nhân dân và du khách tới thăm di tích. Với ý nghĩa quan trọng của di tích, năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích Chi bộ Cố Gắng, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

2.23. Di tích lịch sử văn hóa nghè Du Vịnh - Di tích cấp tỉnh

Nghè Du Vịnh còn có tên gọi khác là nghè Ba Mươi, thuộc làng Nho Quan, xã Du Vịnh xưa, nay thuộc khu phố Phú Khang, phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn. Nghè Du Vịnh thờ La Thượng Anh Minh tôn thần là Thành hoàng và thờ các thần: Độc Cước tôn thần, Nam Phương tôn thần, Đông Phương tôn thần, Đài Hoàng Quang Minh Ôn Nhiệm tôn thần, Minh Tự hiển ứng tôn thần. Sách Thanh Hóa chư thần lục của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi: Làng Du Vịnh thờ vị thần La Thượng Anh Minh tôn thần.

2.24. Di tích lịch sử văn hóa nghè Sày - Di tích cấp tỉnh

Nghè Sày thuộc địa phận làng Bình Hòa, phường Quảng Châu thờ Quản Di Đài thời vua Lê Trung Hưng là Thành hoàng làng.

2.25. Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Đông Hải Đại Vương - Di tích cấp tỉnh (làng Xuân Phương - phường Quảng Châu)

Làng Xuân Phương, phường Quảng Châu vốn có từ lâu đời. Cư dân tụ cư trong làng tập trung chủ yếu là dòng họ Nguyễn, họ Phạm và họ Vũ. Quá trình hình thành làng mạc đã từng bước mở mang đất đai ra phía biển, với các ngành nghề đắp đê nuôi trồng thủy sản, cấy trồng cây lúa nước, cây hoa màu là những sinh hoạt chính để tồn tại và phát triển.Tụ cư lập làng nơi cuối sông, giáp biển lại được chuyển từ các vùng đồng đất của thượng nguồn Sông Mã đổ xuống, càng tạo thêm các yếu tố thuận lợi cho việc du nhập, hội tụ các tín ngưỡng, tôn giáo. Chính vì thế từ xa xưa làng Xuân Phương có chùa thờ Phật, có đình Trung thờ Thánh, đền (Nghè) thờ Thành hoàng và có đình của 4 phe: Đông - Tây - Khang - Thịnh.

2.26. Di tích lịch sử văn hóa nghè Làng Kiều - Di tích cấp tỉnh

Nghè nằm trên khu đất cồn rộng phía tây nam làng Kiều thuộc phường Quảng Châu. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Làng Kiều thuộc Tổng Cung Thượng thuộc vùng Đông Bắc huyện Quảng Xương. Nghè Làng Kiều được xây dựng từ thời vua Lê Trung Hưng, đời vua Lê Cung Hoàng (1526), tôn ngài Khương Tử Nha, thời Nhà Chu làm Thành hoàng; về sau các ngài Đinh Công Nhân Tín, Đinh Huy Nghiêm là người học hành đỗ đạt, làm vẻ vang và đóng góp nhiều công sức cho làng, cho nước được rước vào nghè thờ.

2.27. Di tích lịch sử văn hóa Nơi thờ - mộ - nhà bia thờ Lãnh Phiên - Di tích cấp tỉnh(1)

Ngày 01/9/1858, thực dân Pháp nổ súng tại Đà Nẵng, công khai phát động chiến tranh xâm lược nước ta. Triều đình Nhà Nguyễn đã kí hai hòa ước ngày 25/8/1883 và ngày 6/6/1884, thực chất đây là những hòa ước thừa nhận sự đô hộ lâu dài của thực dân Pháp trên đất nước ta. Việt Nam trở thành một xứ thuộc địa nửa phong kiến của thực dân Pháp. Trong nội bộ triều đình, phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu đã tấn công thực dân Pháp ngày 5/7/1885. Nhưng do tương quan lực lượng và sự chuẩn bị chưa đầy đủ, cuộc phản công đã thất bại, kinh thành Huế rơi vào tay giặc. Tôn Thất Thuyết đưa Vua Hàm Nghi rút ra phía bắc để tính toán một cuộc kháng chiến lâu dài. Ngày 13/7/1885, tại vùng rừng núi ở miền tây Bình - Trị - Thiên, Vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân đứng dậy chống Pháp. Ngày 19/9/1885, Vua Hàm Nghi lại ban chiếu Cần Vương lần thứ 02 để phát động phong trào chống Pháp mạnh mẽ hơn nữa.

2.28. Di tích lịch sử văn hóa nghè Thọ Đài - Di tích cấp tỉnh

Nghè Thọ Đài được xây dựng từ thế kỉ XV, xưa thuộc xã Điều Yên - tổng Cung Thượng, nay là phường Quảng Thọ. Theo sắc phong còn lưu giữ, nghè Thọ Đài thờ hai vị thần là Thiên cương Thượng đẳng thần và Thiên cáo Thượng đẳng thần. Tục truyền, hai vị thiên thần có công hộ quốc, hiển linh phù trợ cho nghĩa quân Lam Sơn. Trải qua các triều đại, hai vị thiên thần được Nhân dân thờ phụng, bốn mùa cúng tế. Tại nghè Thọ Đài còn lưu giữ đạo sắc phong năm Vua Thiệu Trị lục niên (1846).

2.29. Di tích lịch sử cách mạng nghè Đệ Tứ - Di tích cấp tỉnh

Nghè Đệ Tứ nằm ở địa phận làng Hòa Chúng, phường Quảng Thọ. Căn cứ vào các sắc phong và tài liệu còn lưu giữ được cùng những thần tích và những câu chuyện dân gian truyền tụng lại, nghè Đệ Tứ là nơi thờ tự người con trai của Lê Lương, do lập nhiều công lao đã được Hoàng đế Lê Đại Hành phong tước Vệ đại Tướng quân. Khi mất, ngài được tôn phong Đại vương thượng đẳng tôn thần, Nhân dân tôn ngài làm Thành hoàng làng và thờ tại nghè Đệ Tứ. Linh vị của ngài được đặt tại khu chính tẩm của nghè. Qua bản dịch của các sắc phong còn lưu giữ tại nghè Đệ Tứ, các triều đại phong kiến đã phong cho ngài tước “Dực bảo trung hưng Linh phù Quang Ý Đoan Túc Thiếu Bảo Nhân Quận công lưỡng vệ Đại tướng quân Thượng đẳng tôn thần vị hiền”.

2.30. Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Phục (Quảng Đại) - Di tích cấp tỉnh

Đền thờ Đông Hải Đại vương - Nguyễn Phục xã Quảng Đại còn có tên gọi là đền thờ quan Hoàng Giáp, hay đền Đức Thánh tôn thần. Ngôi đền được xây dựng trên cồn đất ven biển làng Phú Xá, xã Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn. Về thần tích vị thần được thờ, sách có chép(2): Thần họ Nguyễn, húy Phục, người xã Đoàn Tùng, huyện Gia Phúc, xứ Hải Dương. Đỗ Tiến sĩ triều Lê, làm quan đến chức Thiếu phó. Khi vua đi bình Chiêm Thành, ông được sai vận chuyển binh lương. Sau khi mất được phong là “Đông Hải phúc thần”, rồi sai các thôn xã lập đền thờ. Có nhiều linh ứng, trải các triều đại đều có phong tặng.

2.31. Di tích lịch sử văn hóa đình Mỹ Lâm - Di tích cấp tỉnh

Đình Mỹ Lâm thuộc làng Mỹ Lâm, xã Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn.Theo gia phả dòng họ Phạm Văn, năm (1681) đời Vua Lê Hy Tông, ông tổ dòng họ Phạm Văn, tên tự là Huệ Giác là người gốc làng Vệ Giữa, xã Quang Tiền (thuộc xã Quảng Đức ngày nay) làm quan trong triều, giữ chức Tri phủ Hoài Nhân (Hà Tây cũ), khi về hưu, ông đưa vợ con xuống dựng nhà, sinh cơ lập nghiệp tại làng - nơi ông ở là dải đất Ma Hang, Nhân dân còn gọi là Mả Hạng.

2.32. Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ dòng họ Thừa - Di tích cấp tỉnh

Nhà thờ họ Thừa, xã Quảng Đại, thờ Tướng quân Thừa Văn Mông và các bậc tiên hiền dòng họ Thừa. Theo những tài liệu cổ và gia phả dòng họ Thừa thì Tướng quân Thừa Văn Mông là người có công lao trong việc bảo vệ vùng biển và xây dựng trang ấp Phú Xá, đến năm Nhâm Dần (1782) lại có công đưa thuyền và dân binh tham gia dẹp loạn, giúp nhà Vua Kế lên ngôi vua, nên xét công phong là Tráng tiết tướng quân, hiệu lệnh Tư súy kiêm tráng sĩ, Thiết kị úy, Phó thiên hộ trung liệt.

2.33. Di tích lịch sử cách mạng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc (chưa xếp hạng)

Di tích này thuộc khu vực cảng Lạch Hới, phường Quảng Tiến. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cảng Lạch Hới xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến), thành phố Sầm Sơn được giao nhiệm vụ là điểm tập kết đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Tại điểm tập kết có dựng tấm bia ghi lại sự kiện lịch sử trọng đại này: “Nơi đây, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sầm Sơn từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955 đã đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở miền Nam tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam”.

2.34. Di tích lịch sử cách mạng Tượng đài nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi (chưa xếp hạng)

Tượng đài nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi, làm bằng đá nguyên khối, khắc họa nguyên mẫu người nữ anh hùng, tọa lạc bên bờ biển, theo trục đường cảnh quan Hồ Xuân Hương, thuộc địa bàn khu phố Trung Kỳ, phường Trung Sơn.

2.35. Điểm di tích Khu lưu niệm nơi Bác Hồ về thăm và kéo lưới cùng ngư dân Sầm Sơn, phường Trường Sơn (chưa xếp hạng)

Miền Bắc đang chuẩn bị Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III. Hồ Chủ tịch đi thăm Nhân dân một số tỉnh phía nam Thủ đô Hà Nội, Người ghé Sầm Sơn tắm biển. Hiểu được ý Bác, anh Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, bố trí nơi Bác đến tắm được gần dân, xa bãi tắm của du khách nghỉ hè. Bác nói với mấy vị cán bộ cao cấp cùng đi: Mình về với dân, cùng làm với dân để được tắm biển... Tại đây, Bác chọn chùa Cô Tiên, nằm trên dãy núi Trường Lệ làm nơi ở và làm việc. Trong 3 ngày lưu lại Sầm Sơn (từ ngày 17 đến 19/7/1960), Bác đi tham quan núi Trường Lệ; thăm nhà nghỉ dưỡng Sầm Sơn, trại an dưỡng của các cụ miền Nam và các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho vùng biển của Tổ quốc. Đặc biệt, Bác đã trực tiếp tham gia kéo lưới cùng ngư dân xóm Vinh Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn)... Cả buổi sáng kéo lưới với bà con ngư dân nơi đây đã giúp Bác được nghe bao điều sự thật từ dân. Ngay chiều hôm đó (17/7/1960), anh Vũ Kỳ theo ý Bác đã mời các vị lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh xuống Sầm Sơn gặp Bác... Bác rời Sầm Sơn, người dân chài lưới nơi đây mới biết ông già kéo lưới với dân là Bác Hồ.

 

<

Tin mới nhất

SẦM SƠN DI TÍCH VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH(10/05/2024 10:40 SA)

    °