1256 người đang online

Đền Độc Cước

Đăng ngày 08 - 10 - 2024
100%

Đền Độc Cước được mang tên chính vị thần thờ trong đền - Thần Độc Cước, vị thần một chân, bán thân bổ dọc được phong là “Độc Cước sơn tiêu” hay “Độc Cước chân nhân thượng thượng đẳng thần”. Đền được xây dựng trên hòn Cổ Giải (hay còn gọi là Miết Cảnh) là hòn thứ tư trong hệ thống phân loại dân gian. Năm 2019, đền Độc Cước nằm trong quần thể di tích, danh lam thắng cảnh Sầm Sơn được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1954/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt .

Đền Độc Cước ngự trên Hòn Cổ Giải, thuộc dãy núi Trường Lệ

          Ngôi đền đứng trong thế “đầu sóng, ngọn gió” và được xây dựng theo hướng Tây chếch Nam nhằm tránh gió bão từ biển thổi vào.

         Về thần tích của thần Độc Cước có nhiều chi tiết khác nhau:

         Theo tác giả Hoàng Thăng Ngói ghi theo tài liệu "Linh tích Sầm Sơn", ngôi đền được xây dựng vào thời nhà Lý, làm bằng tre mái lợp tranh.

Đền Độc Cước được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1962. Nơi đây hiện còn lưu giữ 8 đạo sắc phong về thần Độc Cước do các triều đình phong kiến phong tặng

         Tương truyền, vào thời nhà Trần, khi vua Trần Anh Tông khi đánh giặc Chiêm đi qua và nghỉ lại đây. Đêm vua nằm mộng thấy có một vị thần bán thân bổ dọc tự xưng là thần cai quản mảnh đất này và hứa sẽ giúp vua đánh thắng giặc. Sáng mai khi tỉnh dậy, nhà vua đi dạo quanh núi thì thấy trên đỉnh núi có một miếu thờ. Nhà vua vào thắp hương xin thần ban sức mạnh để đánh giặc và hứa khi đánh thắng giặc trở về sẽ cho tu sữa lại ngôi đền. Giữ đúng lời hứa, sau khi thắng giặc trở về, nhà vua xây dựng lại đền và phong cho thần “Độc Cước chân nhân Thượng đẳng thần” và lần lượt các triều đại tiếp theo đề phong sắc cho thần.

        Đường lên đền được lát bằng đá phiến, rộng 2m, gồm 49 bậc, hai bên xây tường hoa. Bên phải đường lên đền là miếu Sơn Thần và Thổ Thần. Cửa Đền có tấm bia đá do quan huyện Quảng Xương Đặng Huy Trứ soạn và dựng vào năm Canh Thân; bia có chiều cao 0,38m, rộng 0,19m có nội dung ca ngợi thần Độc Cước. Ngoài ra, du khách có thể lên Đền qua cổng phụ nằm ở phía Nam đền.

Đền Độc Cước được xây theo kiến trúc kiểu chữ đinh.

        Ngôi đền chính được kiến trúc hình chữ đinh (kiểu chuôi vồ), cung tiền đường rộng 5 gian với diện tích 95,5m, ở 2 cột có câu đối: “Tứ chung anh dục tham thiên địa – Đức trọng ân thâm trác cổ kim” (tạm dịch: Khí thiêng hun đúc sánh trời đất – Đức nặng ơn dày suốt cổ kim”.

         Từ hàng cột cái ngoài đến hàng cột cái trong, một bên đặt giá chiêng, một bên để trống, kế đó là giá chấp sự và quân cờ cổ. Phía trong có 4 bức sơn son thiếp vàng “Thượng đẳng thần”. Tiếp đến là hương án trạm trổ Long –Ly – Quy – Phượng. Ở trên là bát hương và bộ ngũ sự bằng đồng. Hai linh ngai, phía trong hương án là sập công đồng các quan. Ngước lên mái đến có bức đại tự ghi 4 chữ “Thánh cung vạn tuế”, phía dưới có bức tại tự ghi 3 chữ “Tối linh từ”. Trong cùng – nơi tiếp giáp với trung đường là 2 tượng phổng, cao 0,99m quỳ, hai tay chắp khuỳnh về phía trước. Tượng bằng đá khối, mắt mở to, nhìn thẳng, đang toét miệng cười vẻ lạc quan, yêu đười nhưng đầy thuần phục. Đây là tượng thuộc hệ văn hoá Chăm.

Khu vực tiền đường

         Trung đường là ngôi nhà dọc 3 gian, 4 hàng cột bít đốc có diện tích 58,6m2. Đòn nóc nhà gác xà cái tiền đường tạo thành chữ đinh, mang đậm nghệ thuật kiến thúc thế kỷ XVII.

         Hậu cung là ngôi nhà được chia làm 2 phần có diện tích 36,7m2. Ở ngoài đặt bức tượng bán thân Thần Độc Cước. Tượng gỗ tròn mang tính nghệ thuật cao 70cm sơn màu đen. Phần trong hậu cung rộng 4,2m, dài 3,2m là nơi uy nghiêm nhất. Trên bệ thờ có một khám thờ kiểu long đình sơn son thiếp vàng, choán gần hết gian cung cấm. Ngay dưới chân khám là dấu chân Ngài đã điểm khi xuống hạ giới nhập thế. Trong khám là linh ngai và thánh vị, hòm sắc của Ngài. Trên thánh vị có ghi “Chu Minh thánh vị”. Trước khám là bát hương đồng thờ Ngài, bên cạnh là bức tượng thờ thần Độc Cước bán thân, cao 0,3m. Phần thân khuất lấp là khoảng mây cuộn, sóng vờn.

         Phía Bắc ngôi đền là toà môn lâu. Từ đây, có thể quan sát toàn bộ bãi tắm du lịch Sầm Sơn từ đầu hòn Cổ Giải đến cửa Lạch Trào, sông Mã đổ ra biển dài khoảng 7km.

         Phía Nam ngôi đền là sân đền với cây bàng hơn trăm tuổi, toả 3 tầng ô lá xoè che bóng mát cho cả sân đền. Chếch phía Tây Nam là phủ Mẫu thờ tam toà Thánh Mẫu. Từ sân đền, ta có thể đi lên đường núi phía Nam đền, ta bắt gặp một không gian trời biển và bãi Ních – nơi tụ gió và sóng với vách đá cheo leo vỗ sóng thủ thỉ như lời chúng sinh đang giãi bày cho đấng thần linh Độc Cước cao cả.

Pho tượng thờ thần Độc Cước

          Xung quanh lai lịch về thần Độc Cước có nhiều truyền thuyết: Truyền thuyết về thần Độc Cước ở Làng Núi (Sầm Sơn) kể lại rằng: Xưa kia một năm nọ, vùng biển Sầm Sơn xuất hiện bọn quỷ đỏ mình chúng tròn trùng trục, mõm dài vêu vao, răng nhọn hoắt đỏ lòm. Chúng thích ăn thịt người, hễ cứ có ngư dân nào ra khơi đánh bắt cá chúng liền ăn tươi, nuốt sống ngay lập tức. Dân làng dần không dám ra khơi đánh bắt cá. Họ đành phải mò con cua, con ốc và đánh con cá, con tôm gần bờ mà thôi. Nhưng loài quỷ biển nào để cho dân chúng yên, chúng mò vào tận trong đất liền bắt ăn thịt dân chúng. Làng xóm ngày càng trở nên hoang vắng, xơ xác tiêu điều.

         Lúc bấy giờ, có một chàng trai vừa chui ra khỏi bụng mẹ đã lớn nhanh như thổi “Hột lúa to bằng người gánh, quả cà to bằng người ôm” cũng không đủ nuôi chú bé. Nhưng bù lại cậu bé lớn nhanh như thổi chẳng mấy chốc trở thành một chàng trai cao lớn dị thường. Chàng có sức khỏe phi thường. Chứng kiến cảnh dân chúng gặp hạn. Chàng đứng lên đỉnh núi hú vang một tiếng gọi dân làng về. Hằng ngày, chàng cùng ngư dân theo thuyền bè ra khơi đánh bắt tôm cá. Thấy chàng bọn quỷ đỏ không dám mon men đến gần, hễ con nào đến gần bị lưỡi búa sắc như nước của chàng băm ra thành trăm mảnh. Nhưng loài quỷ khát mồi, thừa lúc chàng khổng lồ cùng ngư dân ngoài biển khơi chúng liền mò vào tận trong đất liền tàn sát ăn thịt dân chúng. Không còn cách nào khác bảo vệ dân làng, chàng khổng lồ liền lấy búa tự xẻ đôi thân mình làm 2 nửa. Một nửa theo bè mảng của ngư dân ra khơi đánh cá. Một nửa ở lại trên đất liền bảo vệ dân làng. Dấu chân của chàng đứng mãi trên núi hằn vào đá để lại muôn đời sau.

        Từ đó, nhân dân trong vùng lại có cuộc sống bình yên như xưa. Đã từ lâu Ngọc Hoàng biết vùng biển Sầm Sơn có loài thủy quái vô cùng hung dữ, chuyên sát hại dân lành. Nay lại nghe tin vùng này vẫn sầm uất như xưa. Hỏi ra mới biết, ở đây có một người con trai tài ba xuất chúng, lại tự xẻ đôi mình ra để diệt ác cứu dân. Ngọc Hoàng cho mời chàng lên làm người tiên giới. Nhưng chàng không đồng ý và xin Ngọc Hoàng cho ở lại hạ giới cứu giúp dân làng. Nể lời, Ngọc Hoàng phong cho chàng vừa làm cả thần vừa làm cả thánh. Từ đó, dân làng Sầm Sơn xây đền ngài hương khói quanh năm [Lê Kim Lữ - chuyện dân gian Sầm Sơn; tr.5-10].

        Thần Độc Cước được thờ khắp các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là các vùng duyên hải ven biển. Theo tác giả Hoàng Minh Tường “Trong nước có hơn  20 nơi thờ, chủ yếu là khu vực phía Bắc và tỉnh Thanh Hóa có 49 điểm thờ. Trong tổng số 69 đền, miếu, nghè, chùa, đình hiện còn có 36 nơi vẫn thường xuyên thờ cúng, các điểm khác hoang phế và không được duy trì” [Hoàng Minh Tường - Tục thờ thần Độc Cước ở một số làng ven sông biển tỉnh Thanh Hóa; tr.78].

Hàng ngày có rất đông người dân và du khách đến tham quan, dâng hương ở ngôi đền cổ bậc nhất Sầm Sơn

        Hằng năm, tại đền Thượng làng Núi (Đền Độc Cước) việc tế lễ được diễn ra thường xuyên. Tế lễ đền Độc Cước gồm có: lễ, cáo, yết và tế. Trong năm, tại đền Độc Cước có các lễ kỳ nhật: Ngày mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng (ngày sóc, vọng) thủ từ sắm lễ vật gồm: Hương, đăng, nải, oản, trái ban, trầu rượu dâng lên Ngài. Tết Đoan Ngọ (Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch) các cụ thủ từ sắm lễ dâng hương...Ngoài các lễ kỳ nhật còn có lễ yết cáo. Trong làng xã nếu có việc gì thì người chủ thường sắm lễ vật lên dâng hương báo cáo với thần thánh. Ví như trong làng có người đỗ đạt, thăng quan tiến chức, kinh doanh buôn bán…Tiểu tế thường được các ông từ sắm lễ. Các buổi tiểu tế gồm: Tế mộc dục, tế giao thừa, tế mở cửa đền, tế cơm mới.

Cảnh quan Đền Độc Cước

        Lễ hội: Ngoài những lễ tiết, trên đền Độc Cước thường niên tổ chức hai kỳ đại lễ lớn; Lễ hội Cầu phúc - đền Độc Cước được tổ chức vào ngày 16 tháng 2 và lễ hội bánh Chưng - bánh Giầy được tổ chức vào ngày 12 tháng 5 âm lịch. Đây là 2 lễ hội cấp thành phố được tổ chức trang trọng ngay trên sân khấu đền Độc Cước nhằm cầu mưa thuận, gió hoà, Quốc thái, dân an, mùa màng tươi tốt, tôm cá đầy khoang.

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Đền Cô Tiên(08/10/2024 3:40 CH)

    Hòn Trống Mái(08/10/2024 3:11 CH)

    Đền Độc Cước(08/10/2024 2:54 CH)

    Đền Tô Hiến Thành(07/10/2024 4:35 CH)

    SẦM SƠN DI TÍCH VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH(10/05/2024 10:40 SA)

      °