3099 người đang online

Đền Cô Tiên

Đăng ngày 08 - 10 - 2024
100%

Đền Cô Tiên nằm trên đỉnh hòn Đầu Voi cuối dãy Trường Lệ về phía Tây Nam. Ngôi đền được Bộ Văn hóa công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1962, năm 1990 Bộ trưởng Văn hóa Thông tin đã ký Quyết định công nhận đền Cô Tiên là di tích lịch sử Văn hóa nằm trong quần thể di tích danh thắng cấp quốc gia. Ngày 31/12/2019, Ngày 31/12/2019, Đền Cô Tiên nằm trong quần được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1954/QĐ-TTg về việc xếp hạng quần thể di tích, danh lam thắng cảnh Sầm Sơn là Di tích Quốc gia đặc biệt..

Đền Cô Tiên, thành phố Sầm Sơn

          Đền Cô Tiên là ngôi đền thờ Mẫu. Truyền thuyết kể lại rằng: Ngôi đền này thờ một người con gái làm nghề thuốc cứu nhân độ thế. Cô gái vì không nghe lời cha lấy một kẻ nhà giàu nên bị cha đuổi ra khỏi nhà. Sau đó cô đem lòng yêu và lấy một chàng trai nghèo hiền lành, tốt bụng tên là Côi. Cuộc sống đang êm ả trôi đi trong hạnh phúc thì nàng bị bệnh. Hai vợ chồng đã đi khắp nơi chữa bệnh nhưng không khỏi. Bỗng một hôm có một bà lão xuất hiện đã chạy chữa cho nàng. Bà lên núi hái lá nam về hòa cùng với nước được lấy từ suối sắc thuốc. Còn nước lấy từ Vụng Tiên dùng để rửa các vết thương lở loét. Kỳ lạ thay, mới uống có ba bát thuốc thì  nàng đã khoẻ mạnh, béo tốt hẳn ra. Khi cô gái khỏi bệnh, ông cụ ra đi để lại cho vợ chồng anh Côi một giỏ mây đựng đầy lá thuốc và một tay nải che mưa, nắng.

         Một lần, 2 vợ chồng đi chữa bệnh về khuya gặp trời mưa to, nhớ lời bà cụ dặn lấy tay nải ra che mưa và thiếp đi lúc nào không biết. Sáng mai khi tỉnh dậy 2 vợ chồng thấy mình đang nằm trong một ngôi nhà 3 gian khang trang sạch sẽ. Từ đó, họ ở lại ngôi nhà và hằng ngày đi hái thuốc lá nam trên núi về chữa bệnh cho mọi người trong vùng. Một buổi sáng đẹp trời, hai vợ chồng ăn mặc rất đẹp dắt tay nhau đi lên đỉnh núi và thấy không quay trở về. Dân làng đồn rằng nàng chính là tiên nữ giáng trần. Ngôi nhà của vợ chồng được nhân dân trong vùng hương khói thờ phụng quanh năm [(Chuyện dân gian Sầm Sơn –Lê Kim Lữ)tr; tr.27-32].

Cồng Đền

Đền Quan giám

Khu vực Đền chính thờ vọng Thần Độc Cước và Tam Toà Thánh Mẫu

          Quần thể di tích Đền Cô Tiên gồm: Ngôi đền thờ chính: Thờ vọng thần Độc Cước và Tam Toà Thánh Mẫu. Qua  nghinh môn và sân đền, leo 29 bậc, ta thấy ngôi đền như nằm sát bên phải là ngôi đền Quan Giám, thờ các vị quan giám sát các hành vi và tấm lòng thành của du khách vào đền. Bên trái ngôi đền chính lùi về phía sau là lầu Cô Chín. Chếch phía Tây Nam ở dưới chân đền phía trước là miếu Sơn Thần. Trở lại nghinh môn, rẽ trái, xuống gốc cây đa cổ thụ là miếu Cô Bơ lộ thiên.

Lầu Cô Chín

Miếu Cô Bơ

         Đền Cô Tiên được thiết kế theo kiến trúc hình chữ Đinh gồm 3 cung: Nhà tiền đường là hương án thờ và chiếu lễ, tại đây hiện còn lưu giữ được nhiều hoành phi, câu đối, đại tự do các quan lại, chức sắc nho sĩ đỗ đạt thời Lê – Nguyễn cung tiến nhằm ca ngợi sự phù trợ độ thế của các vị thần cho dân một cuộc sống an lành. Trung đường là sập thờ khám tượng ba vị Thánh Mẫu và cộng đồng các quan. Hậu cung là nơi cao nhất và thâm nghiêm nhất đặt khám long cung; trong khám và linh ngai và thân vị thần Độc Cước- Thứ đến là khám đặt bộ tượng lớn: Tam Toà Thánh Mẫu (Mẫu thượng ngàn, Mẫu thoải và Mẫu Liễu Hạnh).

Trong thời gian nghỉ dưỡng từ ngày 17 - 19/7/1960, Bác Hồ ăn mặc giản dị lên núi Trường Lệ, vào thăm đền Cô Tiên

       Điều đặc biệt hơn ngôi đền này là nơi lưu dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Tháng 7/1960, Bác Hồ về thăm và làm việc với Tỉnh ủy Thanh Hóa. Khi đến Sầm Sơn, Bác không nghỉ tại nhà khách mà ở ngay trong đền Cô Tiên trên lưng chừng núi. Người thủ từ trông coi đền đã nhường tiền sảnh của ngôi đền cho đoàn khách đặc biệt. Sáng hôm sau Bác cải trang như một lão ngư dân vào thăm xóm làng. Khi ra tới bãi biển Bác đã cùng các ngư dân ở đây kéo lưới. Hiện tại, trong nhà khách của đền Cô Tiên đang treo những bức ảnh quý về chuyến thăm và làm việc của Người tại đất biển Sầm Sơn.

Cảnh quan sân Đền Cô Tiên

        Đến với Đền Cô Tiên, nơi hội tụ nhiều dấu ấn của người xưa và người nay, trước cảnh trời nước mênh mang, một không gian linh khí khiến lòng ta bịn rịn không muốn về.

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Đền Cô Tiên(08/10/2024 3:40 CH)

    Hòn Trống Mái(08/10/2024 3:11 CH)

    Đền Độc Cước(08/10/2024 2:54 CH)

    Đền Tô Hiến Thành(07/10/2024 4:35 CH)

    SẦM SƠN DI TÍCH VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH(10/05/2024 10:40 SA)

      °