“Mình còn sức khỏe, làm được việc gì thì làm để con cháu nhìn vào đó mà làm gương, lấy động lực làm ăn” – Đó là chia sẻ của ông Trương Văn Hảo (1960), ở tổ dân phố Tây Nam, phường Quảng Vinh. Ở độ tuổi 63, khi kinh tế gia đình đã khá giả, có của ăn, của để, ông Hảo vẫn tích cực sản xuất kinh doanh, thu mua, chế biến hải sản, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.
Sinh ra trong gia đình có 10 người con, cuộc sống gia đình ông Hảo lúc bấy giờ rất khó khăn, nhiều bữa ăn chẳng đủ no. Lập gia đình khi trong tay chẳng có chút tài sản, vốn liếng gì, năm 1984, ông Hảo rời quê hương đi xây dựng kinh tế mới tại Phú Riềng, Đồng Nai. Trời không thương, làm ăn không được, lại “sốt ruột” vợ sinh nở ở quê nhà, chưa đầy 1 năm, ông Hảo quyết định trở về địa phương. Vợ chồng bảo ban nhau, ngày ngày ra biển mua mớ cá, con tôm từ những ngư dân vùng bãi ngang gần nhà rồi đạp xe các xã lân cận để bán.
Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, ông Hảo phụ việc thêm tại xưởng cá đông lạnh của người quen gần nhà. Sau đó ít năm, ông chủ xưởng cá chỗ ông Hảo làm việc “giải nghệ”, sẵn có các mối hàng thân quen, ông Hảo bàn với vợ mạnh dạn vay thêm gia đình, bạn bè xây dựng xưởng cá đông lạnh với quy mô nhỏ, cung cấp hải sản đông lạnh cho các thương lái Trung Quốc. Đến năm 2005, khi đã có chút vốn liếng trong tay, gia đình ông mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng chế biến sứa; ngay năm đầu sản xuất, gia đình ông đã chế biến, xuất bán được gần 200 tấn sứa thành phẩm cho các tỉnh phía Nam và thị trường Trung Quốc.
Mô hình chế biến sứa do ông Trương Văn Hảo làm chủ kinh doanh hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương
Sau 18 năm, đến nay, xưởng chế biến sửa của gia đình ông đã được mở rộng với quy mô 1400m2, có khả năng chứa đồng thời 50 tấn sứa; giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động, vào vụ cao điểm, giải quyết việc làm cho 20 lao động địa phương với mức lương từ 300- 700.000/ngày.
Bên cạnh đó, ông Hảo cùng cậu con trai tìm thêm các mối làm ăn khác, thu mua các loại hải sản từ miền Nam như tôm hùm, ốc hương….về bỏ mối cho các đại lý và tiểu thương ở Sầm Sơn.
Nhận thấy thị trường vật liệu xây dựng tại địa phương có nhiều tiềm năng, ông Hảo mạnh dạn kinh doanh vật liệu xây dựng và thành lập công ty vật liệu xây dựng Nam Chiến. Hiện tại, cửa hàng kinh doanh khá thuận lợi, gia đình ông đã mua 4 xe tải, 2 máy múc, giải quyết việc làm thường xuyên cho 11 lao động địa phương với mức lương bình quân 10 -12 triệu đồng/tháng.
Đến nay, phần lớn các công việc kinh doanh của gia đình, ông Hảo đã giao lại cho các con quản lý. Ông Hảo chia sẻ: “ Mình còn sức khỏe, làm được việc gì thì làm để con cháu nhìn vào đó mà làm gương, lấy động lực làm ăn, hàng ngày, tầm 5 – 6 giờ sáng, vợ chồng tôi vẫn có thói quen ra biển “cân hàng” của 30 bè mối quen của gia đình, rồi về đem nhập bán cho các đại lý quen để phục vụ thị trường du lịch của thành phố”. Ngoài ra, vợ chồng ông mở thêm gian hàng nhỏ, cung cấp nguyên liệu xăng, dầu cho ngư dân đi biển và nuôi thêm cả trăm con gà phục vụ nhu cầu của gia đình và bán cho các hộ dân xung quanh.
Từ mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông Hảo mang về doanh thu gần 1 tỷ đồng. Riêng cơ sở chế biến sứa, kinh doanh hải sản, xăng dầu do ông bà trực tiếp quản lý mang về doanh thu khoảng 300 triệu đồng.
Trong cuộc sống hàng ngày, ông luôn gương mẫu, vận động con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện nộp thuế đầy đủ theo quy định. Ngoài ra, ông thường xuyên hưởng ứng việc làm từ thiện như: giúp đỡ những hộ nghèo, khó khăn, tích cực ủng hộ các khoản đóng góp do chính quyền, đoàn thể, tổ dân phố vận động từ 7-10 triệu đồng/năm.
Với sự cần cù, chịu khó và nghị lực vượt qua khó khăn, vươn lên làm giảu chính đáng, ông Hảo thực sự là tấm gương sáng xứng đáng để nhiều người dân học tập, noi theo, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng địa phương ngày càng phát triển.