Chiều 12-7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị sơ kết sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các huyện, thị , thành phố trong cả nước. Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu thành phố Sầm Sơn
Tại điểm cầu Thành phố Sầm Sơn, đồng chí Nguyễn Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố, các thành viên tổ công tác đề án o6 thành phố, tổ trưởng tổ công tác đề án các xã, phường.
6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam và đạt được một số kết quả nổi bật như: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cùng 1 Nghị định, 2 Chỉ thị, 1 Công điện, 7 Nghị quyết, 11 Thông báo kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành.
Cũng trong 6 tháng đầu năm đã xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay như việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng, xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước; triển khai “trợ lý ảo” trong ngành tòa án; tăng tốc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa… Ước tính sơ bộ tỷ trọng kinh tế số/GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.
Báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 tại hội nghị nêu rõ: Xác định năm 2023 là năm hành động, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới; khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2023 công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm “xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tội phạm".
Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ đã cung cấp 25/25 dịch vụ công mức độ 4 theo Đề án 06 và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp giảm thiểu tối đa tiếp xúc trực tiếp, hạn chế tình trạng tiêu cực... Đồng thời, phối hợp số hóa, tạo lập dữ liệu của ngành Tư pháp, Lao động, Thương binh và Xã hội để cắt giám các thủ tục hành chính, người dân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ.
Các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, nhiều dịch vụ công được người dân hưởng hứng tham gia thực hiện với tỷ lệ cao, hàng năm tiết kiệm cho nhà nước khoảng 2.505 tỷ đồng. Một số thủ tục hành chính tiết kiệm như (Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội) tiết kiệm 479,09 tỷ đồng; Thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tiết kiệm 280,9 tỷ đồng)...
Tính đến hết ngày 30-6-2023, đã có 96 bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số dữ liệu được đồng bộ tự động về cơ sở dữ liệu quốc gia đến thời điểm này là 2.087.114 hồ sơ.
Trên cơ sở gợi mở của Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá những kết quả đạt được, những việc chưa làm được, phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân. Đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia và thực hiện Đề án 06 trong 6 tháng cuối năm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ban, ngành ở Trung ương, các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Đề án 06.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cho biết vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm; Tính liên thông, chia sẻ, đồng bộ giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia còn thấp, dữ liệu chưa thực sự “đúng, đủ, sạch, sống”, dẫn đến hiệu quả sử dụng chưa cao; Nền tảng xã hội số, thương mại điện tử còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tự chủ trong chuyển đổi số quốc gia; Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều; Tình trạng lừa đảo trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp…
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng lưu ý phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06, với quan điểm “chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó, không thể chung chung được”. Các ngành, UBND các cấp phải chỉ đạo quyết liệt, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện.
Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng tin tưởng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 sẽ được triển khai thành công ở cấp độ quốc gia, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Phát biểu kết luận tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Mai Xuân Liêm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Chỉ số xếp hạng về chuyển đổi số cấp địa phương năm 2022 tỉnh Thanh Hóa tụt 3 bậc so với năm 2021. Nếu chúng ta không đi hoặc đi chậm thì đồng nghĩa với việc bị tụt lùi.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh xem lại đánh giá chung của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Quốc gia về những điểm còn hạn chế để tập trung khắc phục. Các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở báo cáo đánh giá tình hình chung, chủ động tham mưu cho tỉnh để tỉnh đề nghị với các bộ, ngành ở trung ương về các cơ chế, chính sách. Đồng thời, các sở, ngành cần đẩy mạnh số hóa dữ liệu để liên thông, và xem đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tỉnh sẽ làm việc với Sở Tài chính về nguồn vốn để triển khai các chương trình, dự án theo kế hoạch; rà soát lại thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ và nguồn vốn để thực hiện…